Nửa bên trái và nửa bên phải cơ thể người thường là hình ảnh phản chiếu của nhau. Tuy nhiên, điều này không đúng với bàn chân, theo Live Science. "Không ai có bàn chân giống nhau hoàn toàn. Cơ thể chúng ta đối xứng về mặt nào đó, nhưng không phải luôn luôn đối xứng", tiến sĩ Corrine Renne, bác sĩ chuyên khoa chân ở trung tâm New York Foot and Ankle, cho biết.
Một nghiên cứu năm 1983 trên 4.000 người phụ nữ và 2.800 người đàn ông ở Mỹ phát hiện không ai trong số họ có đôi bàn chân hoàn toàn giống nhau về hình dáng hay kích thước. Củng cố nghiên cứu này là một nghiên cứu năm 2018 từ SATRA Bulletin, ấn bản thương mại chuyên về giày dép và đồ da. Sau khi phân tích 2.890 người ở Anh, nghiên cứu nhận thấy 19% có bàn chân khác biệt về chiều dài với mức chênh lệch khoảng 4 mm, bằng một nửa kích thước giày ở Mỹ và Anh. Xu hướng tương tự cũng được ghi nhận ở Mỹ. Tại Trung Quốc, ít nhất 24% dân số có mức chênh lệch giữa hai bàn chân lớn hơn 4 mm.
Dường như giới nghiên cứu chưa thống nhất chân trái hay chân phải thường lớn hơn chân còn lại. Ví dụ, trung tâm Foot Care ở Liberty Township, Ohio, cho biết khoảng 80% dân số Mỹ có chân trái lớn hơn chân phải. Hệ thống phòng khám City Chiropody and Podiatry ở London nhận định do phần lớn dân số thế giới thuận tay phải, chân trái thường tập luyện nhiều hơn và trở nên lớn hơn một chút để giữ cơ thể cân bằng.
Theo nghiên cứu năm 1983, dù chân trái thường được cho là lớn hơn so với chân phải, các nhà nghiên cứu phát hiện khả năng lớn hơn chân còn lại của chân trái và chân phải là như nhau. Ngược lại, nghiên cứu năm 2018 nhận thấy chân phải thường dài hơn chân trái với tỷ lệ 50,7% ở phụ nữ và 54,8% ở đàn ông tại Anh.
Có nhiều yếu tố dẫn tới sự chênh lệch kích thước ngoài cấu tạo tự nhiên. Ví dụ, phụ nữ có thể thay đổi kích thước bàn chân trong và sau khi sinh nở, theo Renne. Họ có thể gặp hội chứng về dây chằng ligamentous laxity khiến các khớp có phạm vi chuyển động rộng hơn bình thường và chân của họ có thể có kích thước khác biệt. Tật ngắn xương bàn chân cũng khiến một hoặc nhiều ngón ở bàn chân trở ngắn hơn. Đặc biệt, ở hội chứng mang tên thiểu sản ngón chân, các ngón có thể phát triển kém hoặc không hoàn chỉnh.
Thương tích cũng có thể biến đổi kích thước bàn chân, đặc biệt ở thời thơ ấu, khi xương vẫn đang phát triển, theo Trung tâm Foot Care. Bó bột trong thời gian dài có thể khiến cơ bắp yếu đi và teo dần.
An Khang (Theo Live Science)