Theo Reuters , tỷ phú Elon Musk mới đây yêu cầu các đối tác cung ứng thiết bị Internet vệ tinh Starlink chuyển dịch sản xuất từ Đài Loan (Trung Quốc) sang Việt Nam. Nguyên nhân là do lo ngại rủi ro về địa chính trị.
Cụ thể, theo thông tin từ Reuters đối tác Đài Loan (Trung Quốc) là Wistron NeWeb Corporation (WNC) chuyên cung ứng linh kiện cho SpaceX đang tiến hành sản xuất bộ định tuyến và thiết bị mạng dành cho Internet vệ tinh Starlink của tỷ phú Musk ở một nhà máy tại tỉnh Hà Nam của Việt Nam.
Nhiều đối tác của SpaceX chuyển hướng sản xuất sang Việt Nam
Trong báo cáo thường niên, WNC cũng thừa nhận rằng, trước những nguy cơ rủi ro về địa chính trị cũng như nhu cầu thay đổi liên tục của khách hàng, doanh nghiệp này đã tiếp tục mở rộng năng lực sản xuất toàn cầu.
Nhà máy tại tỉnh Hà Nam cũng có kế hoạch tăng ít nhất gấp đôi về lực lượng lao động hiện tại (3.000 người). Trên thực tế, từ giữa tháng 10, bên ngoài nhà máy đã xuất hiện một số băng rôn về tuyển lao động.
Nguồn tin của Reuters còn cho biết thêm, Universal Microwave Technology, một nhà cung cấp và sản xuất linh kiện vệ tinh khác của SpaceX, cũng đã đầu tư vào một nhà máy ở Việt Nam trong năm 2024. Công ty này còn đang xây dựng một nhà máy mới ở Thái Lan.
Theo thông báo từ công ty này, việc lập kế hoạch năng lực sản xuất tại nước ngoài sẽ giúp các khách hàng giảm bớt sự nghi ngờ về rủi ro địa lý, cũng như được họ công nhận và tăng phạm vi hợp tác hơn.
Theo giấy chứng nhận được Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cấp hồi tháng 3, Universal Microwave Technology hiện đang có dự án đầu tư 5 triệu USD, với diện tích 3.360 m2 trong Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc. Theo giấy phép này, dự án của Universal Microwave Technology tại Vĩnh Phúc có công suất hàng năm gồm 48.000 linh kiện kim loại của vệ tinh, tương đương 9,6 tấn và 7.200 linh kiện kim loại truyền dữ liệu (5G backhaul), khoảng 2,4 tấn.
Tương tự, theo Công ty Shenmao Technology, nhà cung cấp vật liệu hàn cho bảng mạch in, là một đối tác cung ứng linh kiện cho SpaceX, mới đây cho biết sẽ chi 5 triệu USD để xây dựng một cơ sở sản xuất tại Việt Nam.
Trên thực tế, Đài Loan (Trung Quốc) có ngành công nghiệp vệ tinh rất phát triển, với khoảng 50 công ty sản xuất thiết bị mặt đất, linh kiện nhạy cảm khác.
Ngoài ra, Chin-Poon Industrial, một nhà sản xuất linh kiện vệ tinh đang là đối tác của SpaceX, cũng cho biết, công ty của tỷ phú Elon Musk đã yêu cầu họ chuyển hoạt động sản xuất đơn đặt hàng mới từ Đài Loan (Trung Quốc) sang Thái Lan.
Việc các công ty chuyển dịch sản xuất linh kiện Starlink của SpaceX ra khỏi Đài Loan (Trung Quốc) cho thấy xu hướng này vẫn đang tiếp diễn mạnh mẽ.
Theo nguồn tin của Reuters, việc các đối tác chuyển dịch hoặc mở rộng sản xuất sang Việt Nam phần lớn nguyên nhân là do yêu cầu của SpaceX.
Tập đoàn của Elon Musk muốn đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam
Vào ngày 25/9, Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp ông Tim Hughes, Phó chủ tịch cấp cao SpaceX, tập đoàn hàng đầu thế giới về cung cấp tàu vũ trụ, dịch vụ phóng vệ tinh và truyền thông vệ tinh.
Tại buổi tiếp, ông Tim Hughes cho biết, Space X đã khởi động các dự án Internet vệ tinh từ cách đây 5 năm và hiện đang có hơn 6.000 vệ tinh ở quỹ đạo thấp. Các vệ tinh của SpaceX hiện nay có thể cung cấp Internet gần như tại mọi nơi trên trái đất.
Đánh giá Việt Nam là thị trường rất tiềm năng đối với kế hoạch phát triển Internet vệ tinh của SpaceX, ông Tim Hughes cho biết, tập đoàn có kế hoạch đầu tư 1,5 tỷ USD tại Việt Nam trong thời gian tới.
Ngoài ra, Phó chủ tịch cấp cao SpaceX khẳng định mong muốn hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa kế hoạch phổ cập Internet tới mọi người dân; đồng thời mong muốn được sự ủng hộ của Chính phủ Việt Nam cũng như phối hợp của các bộ ngành Việt Nam nhằm có thể khởi động quá trình hợp tác liên quan tới dự án này.
Tuy nhiên, tại thời điểm tháng 9, đại diện SpaceX cũng chưa nêu chi tiết thời điểm cũng như mục đích cụ thể của khoản đầu tư.
Trước đó nữa, ý tưởng triển khai dịch vụ Starlink tại Việt Nam lần đầu được ông Tim Hughes nêu khi gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính tại New York (Mỹ) vào tháng 9/2023. Khi đó, lãnh đạo của SpaceX kỳ vọng sẽ giúp cung cấp dịch vụ Internet băng thông rộng tại các "vùng lõm" về sóng trong nước.
Tập đoàn SpaceX do tỷ phú Elon Musk sáng lập vào năm 2002. Tính đến tháng 10/2021, tập đoàn này được định giá trên 100 tỷ USD. Với giá trị lớn như vậy, theo CNBC, SpaceX có thể được coi là siêu kỳ lân trong giới công nghệ.
Bài tham khảo nguồn: Reuters, CNBC, VGP
Lấy link