Một nhóm khảo cổ học lần đầu tiên phát hiện ra một trong những thành phố mất tích khi đang đi bộ đường dài trên những ngọn núi cỏ ở phía đông Uzbekistan. Họ đã đi bộ dọc theo lòng sông và phát hiện ra các địa điểm chôn cất trên đường lên đỉnh một trong những ngọn núi. Khi đến đó, một cao nguyên rải rác những gò đất kỳ lạ trải dài trước mắt họ.
"Là những nhà khảo cổ học, chúng tôi nhận ra đây là những nơi con người sinh sống", Farhod Maksudov thuộc Trung tâm Khảo cổ học Quốc gia thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Uzbekistan cho biết.
Michael Frachetti, nhà khảo cổ học tại Đại học Washington ở St. Louis, Mỹ, cho biết, ông và Maksudov đã tìm kiếm bằng chứng khảo cổ học về các nền văn hóa du mục chăn thả gia súc trên đồng cỏ trên núi khi tìm thấy hàng ngàn mảnh gốm rải rác trên mặt đất. Các nhà nghiên cứu không bao giờ hy vọng tìm thấy một thành phố thời Trung cổ trong khí hậu tương đối khắc nghiệt ở độ cao trên 2.000m so với mực nước biển, thế nhưng tại địa điểm này, được gọi là Tashbulak, nhà khảo cổ học Frachetti đã gặp một trong những cư dân hiện tại duy nhất của khu vực, một thanh tra lâm nghiệp sống cùng gia đình cách Tashbulak vài dặm. Người này cho biết, trang trại của ông nằm trên một gò đất giống như thành trì thời Trung cổ.
Địa điểm thứ hai, có tên là Tugunbulak. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng công nghệ cảm biến từ xa để lập bản đồ những gì họ mô tả là một thành phố thời Trung cổ rộng lớn, cách Tashbulak ba dặm, được tích hợp vào mạng lưới các tuyến đường thương mại được gọi là “ Con đường tơ lụa ”.
Trên các bản đồ thông thường của "Con đường tơ lụa", các tuyến đường thương mại trải dài khắp lục địa Á-Âu có xu hướng tránh xa các ngọn núi ở Trung Á. Các thành phố thấp như Samarkand và Tashkent, nơi có đất canh tác và thủy lợi cần thiết để hỗ trợ dân số đông đúc của họ, được coi là những điểm đến thực sự cho hoạt động thương mại.
Mặt khác, dãy núi Pamir gần đó, nơi có Tashbulak và Tugunbulak, gồ ghề và hầu như không thể canh tác được. Ngày nay, chưa đến 3 phần trăm dân số thế giới sống ở độ cao hơn 2.000 m, so với mực nước biển.
Tuy nhiên, bất chấp nguồn tài nguyên hạn chế và mùa đông giá lạnh, con người vẫn sống ở Tashbulak và Tugunbulak từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 11 sau Công nguyên, trong thời Trung cổ. Cuối cùng, các khu định cư đã bị bỏ hoang. Một nghìn năm sau, những gì còn lại là các gò đất, cao nguyên và rặng núi khó có thể lập bản đồ toàn diện bằng mắt thường.
Luyện kim có thể là một phần quan trọng mà các thành phố này có thể tự duy trì ở độ cao như vậy. Những ngọn núi rất giàu quặng sắt và có rừng bách xù rậm rạp, có thể được đốt để cung cấp nhiên liệu cho quá trình nấu chảy.
Các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện ra những đồng tiền xu từ khắp Uzbekistan ngày nay. Điều này cho thấy đây có thể là một trung tâm thương mại. Có vẻ như nó không hoàn toàn là một khu định cư khai thác mỏ. Tại Tashbulak có một nghĩa trang chứa hài cốt của phụ nữ, người già và trẻ sơ sinh.
Theo Live Science Lấy link