Gánh nặng 5,5 triệu việc làm
"Hiện có khoảng 5,5 triệu lao động trong ngành sản xuất ô tô Nhật Bản, rất nhiều người trong số họ đã làm việc với động cơ đốt trong suốt nhiều năm. Bởi vậy nếu xe điện trở thành lựa chọn duy nhất cho chúng tôi lẫn những nhà cung ứng thì những lao động trên sẽ mất việc làm", Chủ tịch Akio Toyoda của Toyota, hãng xe hơi lớn nhất thế giới cho biết.
Theo tờ Financial Times (FT), cái tên Toyota không chỉ là một thương hiệu mà còn đại diện cho 5,5 triệu việc làm trong chuỗi cung ứng xe hơi của Nhật Bản, toàn ngành này đóng góp đến 2,9% GDP cho nền kinh tế.
Bởi vậy lời cảnh báo của Chủ tịch Toyoda là có cơ sở khi ngành xe hơi Nhật Bản lẫn nền kinh tế này sẽ chịu ảnh hưởng nặng với việc chuyển đổi hoàn toàn sang xe điện.
Tờ FT cho hay Toyota ở trên đỉnh kim tự tháp chuỗi cung ứng ngành ô tô Nhật Bản khi ký hợp đồng trực tiếp với khoảng 100 nhà cung ứng cấp 1 và vô số những doanh nghiệp bám theo sau đó, tạo nên một mạng lưới đồ sộ của toàn ngành.
Bởi vậy, từng quyết định của Toyota có thể ảnh hưởng cực kỳ sâu rộng và đây được coi là một trong những nguyên nhân khiến hãng xe Nhật Bản không vội vàng chuyển hướng ô tô điện.
Tuy nhiên một nguyên nhân nữa là văn hóa "Sản xuất vừa đúng lúc" (Just in time: là sản xuất đúng sản phẩm, đúng số lượng, đúng nơi, đúng thời điểm, kiểm soát tồn kho ở mức tối thiểu cần thiết) cùng chuỗi cung ứng luôn chỉn chu, đúng hẹn đến từng chi tiết của ngành ô tô Nhật Bản đã nổi tiếng từ lâu trên thế giới, qua đó làm nên thành công cho các tên tuổi như Toyota.
Việc phát triển phương pháp sản xuất tinh gọn, hạn chế hàng tồn kho và độ trễ trong sản xuất, cung ứng đã trở thành tiêu chuẩn của toàn ngành xe hơi trên thế giới.
Thế nhưng văn hóa này lại đang trở thành gánh nặng cho ngành xe hơi Nhật Bản đổi mới khi họ cảm thấy phải có nghĩa vụ duy trì 5,5 triệu việc làm cho cả nước cùng vô số những hệ lụy đi kèm trong từng quyết định.
"Việc Toyota bảo vệ chuỗi cung ứng xe xăng của mình hiện tại khá hợp lý do nhu cầu xe Hybrid tăng cao. Thế nhưng trong tương lai, điều này có thể trở thành gánh nặng, gây ảnh hưởng không chỉ đến Toyota mà còn toàn ngành công nghiệp xe hơi Nhật Bản", Chuyên gia phân tích James Hong của Macquarie nhận định.
Đây là tình thế tiến thoái lưỡng nan mà nhiều hãng xe hơi truyền thống nổi tiếng của Đức, Pháp và Mỹ cũng đang phải đối mặt. Cuộc cách mạng xe điện đang tác động lớn đến toàn ngành khi lao động sợ mất việc làm, doanh nghiệp sợ bị thua lỗ còn cổ đông thì gây áp lực để có lợi nhuận.
Trong khi đó hãng tin Reuters nhận định Toyota là hãng xe lớn hiếm hoi trên thế giới giữ thái độ cẩn trọng về cuộc cách mạng xe điện. Tập đoàn này ước tính xe điện, bao gồm cả dòng Hybrid mà hãng phát triển sẽ chỉ chiếm 30% thị phần toàn cầu trong tương lai, số còn lại vẫn là ô tô dùng động cơ đốt trong.
Tâm điểm chỉ trích
Theo Financial Times (FT), hoạt động của các hãng ô tô hàng đầu thế giới thường có tác động đến toàn bộ ngành công nghiệp xe hơi của một quốc gia. Sự phát triển của tập đoàn đó ảnh hưởng trực tiếp đến trợ cấp lao động, viện trợ của chính phủ hay thậm chí là tăng trưởng của cả nền kinh tế.
Điều này cũng tương tự như các tập đoàn gia đình trị (Chaebol) tại Hàn Quốc khi những cái tên như Samsung, SK...có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và người dân.
Xin được nhắc rằng ngành công nghiệp ô tô cần rất nhiều lao động, không chỉ ở khâu sản xuất mà còn lan rộng trong chuỗi cung ứng toàn ngành. Bởi vậy giữ được đà tăng trưởng đồng nghĩa với sự ổn định trên thị trường việc làm.
Tuy nhiên nếu mọi chuyện xấu đi thì chẳng khác nào vụ bê bối của một ngân hàng lớn, tác động dây chuyền ra toàn ngành tài chính khiến ai cũng cố gắng bảo vệ lợi ích cho riêng mình.
Khi đó, Toyota có thể trở thành tâm điểm chỉ trích của các chính trị gia, giới truyền thông, cổ đông và người lao động.
"Cho dù là ở Trung Quốc, Nhật Bản hay Châu Âu thì sản xuất ô tô đều là một ngành chủ chốt. Tôi hiếm thấy quốc gia nào chấp nhận hy sinh ngành công nghiệp ô tô của mình. Điều này cũng tương tư như ngành ngân hàng, luyện thép, đóng tàu thủy...", giám đốc Thomas Besson của Kepler Cheuvreux cho biết.
Bất kể là Renault của Pháp, Volkswagen ở Đức, BYD tại Trung Quốc hay Ford và GM của Mỹ thì đều là những thương hiệu cực kỳ quan trọng với nền kinh tế mà chính phủ chắc chắn không bao giờ bỏ mặc.
Điều này cũng tương tự với Toyota của Nhật Bản và chắc chắn hãng xe này sẽ phải bảo vệ chuỗi cung ứng của mình do liên quan quá nhiều nhóm lợi ích. Trớ trêu thay, điều này lại làm chậm quá trình đổi mới và có thể tạo gánh nặng trong tương lai.
Thách thức này thậm chí đang ngày càng rõ ràng trước sự hỗn loạn từ xe điện.
Tại Châu Âu, nghiên cứu của PwC cho thấy ngành ô tô truyền thống sẽ mất 500.000 việc làm vào năm 2035 và chỉ được bù đắp bằng 226.000 việc làm mới từ ngành xe điện.
"Điều nguy hiểm hơn cả là Trung Quốc đang thống trị chuỗi cung ứng xe điện, trong khi ngành này thì không cần nhiều nhà cung ứng như sản xuất ô tô truyền thống và rất nhiều doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa", chuyên gia Hong của Macquarie cảnh báo.
*Nguồn: Reuters, FT
Lấy link