Người lãnh đạo thời chuyển đổi số phải nhạy cảm với xu thế mới

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, nhạy cảm với xu thế mới là một yêu cầu trong ứng xử, hành động của người lãnh đạo thời chuyển đổi số, bên cạnh việc chú trọng ra quyết định dựa trên dữ liệu và thực thi nhanh.


4 năng lực cần có của lãnh đạo thời chuyển đổi số


Ngày 4/10, tại Hà Nội, trong khuôn khổ chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức và kỹ năng cho 100 cán bộ là Chủ tịch liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và trưởng các ban, đơn vị thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã có bài giảng chuyên đề “Bàn về lãnh đạo thời chuyển đổi số”.


W-bo truong Nguyen Manh Hung giang bai 2 1.jpg
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi với 100 cán bộ lãnh đạo các đơn vị thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về 1 người lãnh đạo trong bối cảnh mới là thời chuyển đổi số. Ảnh: H.G
Mỗi sự việc đều có nhiều góc nhìn nhận, đánh giá và ngay với thất bại cũng nên nhìn nó dưới góc độ là cơ hội để làm việc khác tốt hơn. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Mở đầu bài giảng bằng việc phân tích một số ví dụ trực quan, thực tế như độ dốc lớn của hội trường tổ chức khóa bồi dưỡng, sự phổ cập của điện thoại thông minh hay câu chuyện đất nước Phần Lan có bước phát triển mới từ khủng hoảng, thất bại của hãng Nokia..., Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý rằng mỗi sự việc đều có nhiều góc nhìn nhận, đánh giá và ngay với thất bại cũng nên nhìn nó dưới góc độ là cơ hội để làm việc khác tốt hơn.


Người đứng đầu ngành TT&TT bày tỏ mong muốn các học viên, những cán bộ lãnh đạo của các đơn vị trong Tổng Liên đoàn Lao động sẽ tích cực dùng công nghệ số để đạt được 2 điều là giảm thời gian làm việc và mang lại lợi ích cho người lao động, nhân viên trong tổ chức. Bởi lẽ, mục tiêu của chuyển đổi số, công nghệ số sinh ra là để con người có thể làm ít đi nhưng chất lượng công việc cao hơn.


Lý giải cặn kẽ về sự thay đổi môi trường sống, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ 3 đặc trưng của thời chuyển đổi số, đó là: Môi trường số là môi trường hoàn toàn mới để con người sống, làm việc, sáng tạo cũng như vui chơi giải trí; sự thay đổi của thời chuyển đổi số mang tính cách mạng khi công nghệ số, các mô hình mới tạo ra những thay đổi có tính phá hủy và cơ bản là làm ngược với cái cũ; sự đổi mới diễn ra rất nhanh.


W-bo truong Nguyen Manh Hung giang bai 1 1.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ: Ở hoàn cảnh, môi trường mới, người lãnh đạo cũng phải thay đổi. Ảnh: Nguyễn Hùng

Từ những phân tích về môi trường sống mới, người đứng đầu ngành TT&TT khẳng định: Người lãnh đạo trong bối cảnh mới cũng phải thay đổi để phù hợp với yêu cầu của thời đại. Qua những phân tích kèm dẫn chứng sinh động, các học viên tham gia lớp bồi dưỡng cũng đã nắm được "Khiêm tốn, học hỏi - Thích ứng - Có tầm nhìn xa - Tương tác" chính là 4 năng lực cần có của người lãnh đạo thời chuyển đổi số.


Người lãnh đạo cần thấy được sức mạnh của sự không biết để tiếp thu cái mới, phải ý thức rằng mình không biết hết nên cần lắng nghe, học hỏi nhiều hơn. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Vận dụng vào thực tiễn, lãnh đạo các đơn vị của Tổng Liên đoàn Lao động được khuyến nghị cần thấy được sức mạnh của sự không biết để tiếp thu cái mới, phải ý thức rằng mình không biết hết nên cần lắng nghe, học hỏi nhiều hơn. Bên cạnh đó, người lãnh đạo cũng cần thích ứng được với việc giải quyết những vấn đề mới, phức tạp và sẵn sàng thay đổi nhận thức; có tầm nhìn xa một cách rõ ràng và luôn kiên định với tầm nhìn, mục tiêu như ‘con thuyền’ giữ đúng hướng đi; đồng thời, cần tương tác, nói chuyện nhiều hơn để nắm bắt thông tin, hiểu thời cuộc.


Lãnh đạo thời chuyển đổi số cần sử dụng thành thạo công nghệ


Trong chia sẻ với các học viên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nhiều lần chỉ rõ tầm quan trọng của việc lãnh đạo, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức phải biết sử dụng, thậm chí là sử dụng thành thạo công nghệ, chẳng hạn như biết mua hàng qua mạng, sử dụng trợ lý ảo...


Trong dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về chuyển đổi số, Bộ TT&TT đang đề xuất quy định người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo, trực tiếp làm và thành thạo sử dụng. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Những thay đổi trong yêu cầu về ‘vào cuộc’ của lãnh đạo cũng đã được thể hiện ở những điều chỉnh trong các chỉ thị, nghị quyết về CNTT, chuyển đổi số hơn 20 năm qua: Từ chỉ đạo mỗi tổ chức cử 1 người trong ban lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo ứng dụng CNTT tại Chỉ thị 58 hồi năm 2000, đến yêu cầu người đứng đầu trực tiếp chỉ đạo ứng dụng CNTT tại Nghị quyết 36 năm 2014; đặc biệt, với dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về chuyển đổi số, Bộ TT&TT đang đề xuất quy định người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo, trực tiếp làm và thành thạo sử dụng.


W-lanh dao thoi chuyen doi so.JPG.jpg
Những băn khoăn, thắc mắc của các học viên cũng đã được người đứng đầu ngành TT&TT giải đáp, hướng dẫn cụ thể. Ảnh: H.G

Đề cập đến hành động của nhà lãnh đạo thời chuyển đổi số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh 3 yêu cầu chính gồm nhạy cảm với các xu thế mới, ra quyết định dựa trên dữ liệu và thực thi nhanh.


Hành động của nhà lãnh đạo thời chuyển đổi số cần đáp ứng 3 yêu cầu chính: Nhạy cảm với các xu thế mới - Ra quyết định dựa trên dữ liệu - Thực thi nhanh. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Cụ thể, người lãnh đạo phải theo dõi các xu thế công nghệ, biết được các thành tựu mới của công nghệ liên quan đến lĩnh vực của mình và có tư duy mở để sẵn sàng ứng dụng. Bên cạnh việc xác định được ‘ngôi sao dẫn lối’ bằng sự nhạy cảm với xu thế mới, nhà lãnh đạo cũng phải có ý thức sử dụng dữ liệu khi ra quyết định; thực thi nhanh để thu được nhiều giá trị hơn.


Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, tương tự như việc lái xe, nếu thiếu 1 trong 3 yếu tố trên, người lãnh đạo thời chuyển đổi số của 1 tổ chức sẽ gặp tình huống tương tự như khi lái xe chậm, lái ẩu hoặc lái sai hướng, đều không đạt được kết quả mong muốn, không đến được đích hoặc đến chậm hơn người khác.


Trả lời câu hỏi về cách xử lý tình trạng một số cơ quan, đơn vị ‘đùn đẩy’ trách nhiệm thẩm định dự án CNTT, chuyển đổi số do lo ngại rủi ro, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Trong khi chưa tự tin, các đơn vị có thể chọn làm các dự án nhỏ, khi có kết quả và tự tin hơn thì sẽ làm tiếp những dự án lớn hơn. Ngoài ra, hiện nay có nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thẩm định dự án CNTT, các đơn vị có thể chọn thuê dịch vụ của họ.


W-giai phap chuyen doi so VNPT 3 1.jpg
Nhiều doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang đồng hành cùng các cơ quan, đơn vị trong phát triển sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số theo mô hình thử nghiệm. Ảnh minh họa: M.H

Trước băn khoăn của một học viên về hướng giải quyết 3 khó khăn thường gặp khi chuyển đổi số gồm kiến thức về chuyển đổi số của người quản lý, kinh phí và người thực hiện, người đứng đầu ngành TT&TT đã gợi mở cách làm. Đó là, sau khi xác định được việc mang lại giá trị cho tổ chức, ví dụ như làm trợ lý ảo hỗ trợ tất cả cán bộ, nhân viên thuộc Liên đoàn Lao động, cần chọn 1 đơn vị công nghệ để làm thí điểm và khi có sản phẩm, mang lại hiệu quả đo, đếm được mới bàn đến vấn đề kinh phí để thuê, mua dịch vụ.


“Đây là cách toàn thế giới đang làm để chuyển đổi số, không chỉ riêng tại Việt Nam. Hiện nay, tất cả các doanh nghiệp công nghệ số đều sẵn sàng làm theo cách này”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.