Sau hành trình ươm tạo kéo dài 6 tháng trong khuôn khổ Thử thách Đổi mới Sáng tạo Qualcomm (QVIC), Top 10 đội thi đã được hỗ trợ phát triển sản phẩm, hoàn thiện kế hoạch kinh doanh và đưa sản phẩm ra thị trường. Một số dự án đã tiếp cận được các nguồn vốn đầu tư lớn bên cạnh khoản hỗ trợ tiền mặt trị giá 10.000 USD mỗi đội từ Qualcomm. Và ngày 23/8 vừa qua, sau thời gian tranh tài, 3 ứng viên chiến thắng tại vòng chung kết mùa thứ tư của Thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm 2024 đã chính thức lộ diện:
Quán quân: Vbee - Nền tảng AI hội thoại (giải thưởng 100.000 USD, tương đương gần 2,5 tỷ đồng). Đại diện Vbee cho biết: "Chúng tôi có niềm tin vững chắc rằng một loạt các tương tác giữa người với người sẽ được tự động hóa bằng trợ lý ảo, mang lại trải nghiệm vượt trội, hiệu quả hơn và tiết kiệm chi phí hơn ngay từ bây giờ", đồng thời chia sẻ quá trình tham gia: "Trong giai đoạn tham gia QVIC, chúng tôi đang chuyển giải pháp của mình từ nền tảng đám mây sang nền tảng AI tại biên, máy chủ tại chỗ dựa trên nền tảng hỗ trợ tăng hiệu năng cho ứng dụng AI - Cloud AI100 của Qualcomm để cung cấp cho khách hàng thêm lựa chọn".
Giải nhì: HSPTek - Thiết bị đeo được giám sát thời gian thực chống tĩnh điện (giải thưởng 75.000 USD, tương đương gần 1,9 tỷ đồng). Theo tìm hiểu, HSPTek đang phát triển giải pháp tổng thể phần cứng và phần mềm để cung cấp khả năng đo thông số tĩnh điện theo thời gian thực ở các dây chuyền sản xuất. Dựa trên nền tảng bluetooth và QCS5430 của Qualcomm, hệ thống này cho phép thay thế hệ thống cũ dùng thảm và dây đeo cổ tay trong khi vẫn đảm bảo khả năng giám sát thông số tĩnh điện. "Mục tiêu của chúng tôi là cải thiện năng suất lao động trong ngành sản xuất điện tử. Bằng cách loại bỏ hoàn toàn dây đeo cổ tay và thay thế chúng bằng giải pháp theo dõi tĩnh điện thời gian thực, chúng tôi có thể mang lại sự thoải mái cho người lao động và tối đa hóa hiệu quả sản xuất", đại diện HSPTek cho biết.
Giải ba: Met EV- xe điện thông minh với giải pháp hoán đổi pin năng lượng AI (giải thưởng 50.000 USD, tương đương gần 1,5 tỷ đồng). MET EV là một công ty công nghệ chuyên về các giải pháp vận tải điện thông minh, an toàn và tiết kiệm. Hiện, Met EV đang phát triển giải pháp tổng thể (HW/SW) cho xe điện 2 bánh bao gồm thiết bị IoT gateway, HMI, trạm hoán đổi pin, nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang vận tải bền vững của Việt Nam. Các nền tảng khác nhau của Qualcomm được tích hợp trong giải pháp xe 2 bánh để cung cấp các chức năng khác nhau như: Quectel EC21 (MDM9207) cho tính năng IoT, QCM2290 cho HMI và QCS6490 cho trạm đổi pin thông minh.
Chia sẻ tại sự kiện Chung kết, ông Sudeepto Roy, Phó Chủ tịch Kỹ thuật, tập đoàn Qualcomm tiết lộ: "Năm 2024 không chỉ có số lượng đơn đăng ký cao nhất trong lịch sử chương trình mà còn giới thiệu một đội hình mạnh mẽ gồm các công ty khởi nghiệp chuyên về công nghệ AI tại biên, chiếm 70% số đội lọt vào vòng chung kết năm nay. Các công ty này hoạt động ở các lĩnh vực như bảo mật sinh trắc học, robot, tự động hóa chăm sóc sức khỏe, công nghệ đeo được, di động thông minh, giải trí được hỗ trợ bởi AI, phân tích bán lẻ, hệ thống nhiều camera, AI đàm thoại và các giải pháp năng lượng bền vững".
Ông Alex Rogers, Chủ tịch mảng Bản quyền công nghệ và hợp tác quốc tế, tập đoàn Qualcomm tiết lộ Qualcomm sẽ trở thành đối tác trong hành trình của các công ty khởi nghiệp này, hỗ trợ những nỗ lực của họ để khai thác sức mạnh của điện toán thông minh, đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác với các OEM và nhà khai thác mạng di động hàng đầu Việt Nam để hỗ trợ ngành công nghiệp và chính phủ thực hiện chính sách Công nghiệp 4.0 trong các mục tiêu 'Make in Vietnam'.
"Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam đang đứng trước bài toán tăng trưởng xanh thông qua việc giảm phát thải khí nhà kính, sản xuất xanh và lối sống xanh. Hàng năm, các startup ươm tạo từ QVIC là những đại diện trí tuệ của Việt Nam, mong muốn tham gia giải quyết các thách thức của đất nước, các tập đoàn và các ngành công nghiệp hướng tới đưa Việt Nam đi sâu hơn vào chuỗi giá trị kinh tế gắn với chuyển đổi số xanh và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, trong bối cảnh đòi hỏi sự linh hoạt, ứng biến và cập nhật công nghệ, tri thức", ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (NATEC), Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết. "
Được hỗ trợ bởi Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam kể từ khi ra mắt vào năm 2019, QVIC tiếp tục thúc đẩy các công ty khởi nghiệp sáng tạo bằng cách cung cấp các lợi ích sâu rộng như ươm tạo kỹ thuật và kinh doanh, ưu đãi nộp bằng sáng chế và cố vấn chuyên gia. Tất cả những đội tham gia sẽ gia nhập mạng lưới toàn cầu của Qualcomm Technologies, tăng cường tiếp xúc với ngành và cơ hội của họ trong các triển lãm thương mại toàn cầu và các hợp tác với khách hàng tiềm năng. Được biết, các công ty khởi nghiệp QVIC đã nộp hơn 101 đơn xin cấp bằng sáng chế.
Lấy link