Giá điện sẽ còn tăng
Phát biểu tại Tọa đàm "Đột phá nào để thu hút đầu tư vào ngành điện", PGS.TS. Bùi Xuân Hồi, chuyên gia Kinh tế năng lượng cho biết, giá điện của chúng ta đa mục tiêu quá, còn ở trên thế giới tách bạch tương đối rõ, mặc dù giá điện ở nước nào cũng có sự điều tiết của Chính phủ.
"Bây giờ cấp điện ra đảo, chi phí cung ứng là 7.000-8.000 đồng, nhưng chúng ta vẫn đang bán giá đồng nhất trên toàn quốc là khoảng 2.200 đồng. Hiện nay chúng ta đang gom vào và vẫn bán như vậy, chứ ở nước ngoài, đương nhiên phải có phần hỗ trợ rất rõ ràng từ phía chính phủ. Khi đó, bản thân ngành điện sẽ hoạt động minh bạch", ông Hồi đánh giá.
Cũng chuyên gia này: "Hiện nay cách tính của chúng ta theo giá bán lẻ điện bình quân, tôi cho rằng có hạn chế, nhưng không phải là cốt lõi của những khó khăn của ngành điện hiện nay. Mấu chốt nhất vẫn là câu chuyện điều hành giá".
Theo ông Hồi, nếu chúng ta cố gắng dần dần tách bạch những hoạt động công ích và hoạt động thị trường, thì sẽ có cơ chế điều tiết giá phù hợp. Nếu không thể điều hành giá điện theo cơ chế thị trường ngay thì tất cả các khía cạnh điều tiết cũng phải dần dần hướng đến thị trường.
Ông Hồi cho rằng, chúng ta xây dựng cơ cấu biểu giá từ năm 2014, khi mong muốn phát triển sản xuất nên để giá điện sản xuất thấp. Chúng ta muốn cân bằng tài chính cho EVN thì buộc phải đẩy giá điện kinh doanh lên. Trong quá trình đấy, bắt buộc phải điều tiết dần, ưu tiên cho sản xuất dần giảm đi và trả đúng vai trò của hộ sản xuất.
"Nhưng chúng ta để lệch quá và không điều chỉnh, dẫn đến việc bây giờ nếu ngay lập tức xóa bù chéo thì chắc chắn không làm được vì sẽ gây sốc cho nền kinh tế. Nhưng rõ ràng phải hành động để từng bước điều tiết giá điện theo cơ chế thị trường. Đây là điều rất cần thiết. Tôi cho rằng phải định vị đúng, không phải vướng mắc về cách tính giá thành, mà quan trọng nhất là công tác điều hành giá", PGS.TS. Bùi Xuân Hồi nhận định.
PGS.TS. Bùi Xuân Hồi, chuyên gia Kinh tế năng lượng
Dự báo về giá điện, ông Hồi cho rằng, trong tình hình hiện nay, cơ cấu nguồn điện dù có nỗ lực đến mấy cũng không thể bỏ qua nguồn năng lượng cơ sở bao gồm điện than, điện khí. Tất cả nguồn tái tạo có vào đến mấy thì điện cơ sở vẫn rất quan trọng. Và nếu điện cơ sở quan trọng như thế thì trong xu hướng giá nhiên liệu đầu vào tăng như hiện nay, tôi cho rằng giá thành cung cấp điện chắc chắn sẽ tăng.
Vấn đề địa chính trị như thế này không thể kỳ vọng giá đầu vào ngay lập tức xuống được, thậm chí nó sẽ ở mức dao động mới cao hơn. Phải chấp nhận điều đó.
"Chúng ta kỳ vọng Net Zero vào năm 2050, những nước khác cũng mong muốn điện sạch và tôi khẳng định, không có điện sạch giá rẻ. Điện mặt trời phát được 4 tiếng một ngày là tối đa, điện gió thì phập phù nên không thể nào nói những nguồn điện ấy sẽ có giá rẻ.
Tóm lại, một là do biến động của tình hình địa chính trị thế giới, hai là xu hướng dịch chuyển năng lượng nên chắc chắn giá thành cung ứng điện nói chung sẽ cao lên", ông Hồi nhấn mạnh.
"Không có iPhone không chết, nhưng không có điện là chết"
Phân tích thêm về giá điện, chuyên gia về giá Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đánh giá, một trong những điểm nghẽn đầu tiên, kể cả điện chúng ta đang sử dụng từ các nguồn điện than, điện khí, năng lượng tái tạo… là giá.
Giá ở đây được ví như dòng tiền, là mạch máu có đủ tiếp sức cho phát triển hay không, hay đông lại… Rất nhiều mục tiêu có thể đạt được từ việc tháo gỡ điểm nghẽn đó.
"Trong xã hội, chúng ta đều thấy giá rẻ ai cũng thích nhưng xu hướng chung của người tiêu dùng nghĩ rằng rẻ đến mức ngành sản xuất lỗ, không có hàng để mua thì cũng không thích, hay sợ có hàng nhưng tính giá không hợp lý.
Có 2 điểm là tính giá không hợp lý và thứ hai là thiếu điện. Không hợp lý ở đây là chỉ sợ tính những thứ không phải của sản xuất kinh doanh đưa vào. Hợp lý là đồng tình tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý. Cho nên nguyện vọng hiện nay là giá hợp lý và có đủ điện", ông Thỏa nói.
Ông Thỏa nhấn mạnh quan điểm, phải tính đúng, tính đủ theo nguyên tắc thị trường, nhưng đặc biệt phải minh bạch.
Theo ông Thoả, giá điện phải minh bạch, phải tháo gỡ tất cả các rào cản. Tất nhiên không phải là thị trường thả nổi, thị trường phải có sự điều tiết của Nhà nước, vẫn phải có khâu Nhà nước độc quyền, tư nhân không thể 100% tham gia.
Chuyên gia về giá Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính)
Phân tích thêm những hệ lụy, hệ quả khi giá điện không được tính đúng, tính đủ, PGS.TS. Bùi Xuân Hồi, chuyên gia Kinh tế năng lượng, cho biết năm 2023 rất điển hình cho câu chuyện bắt buộc phải giảm phụ tải hay nói cách khác, bắt buộc phải cắt điện khi nguồn điện không đủ.
Về chuyên môn trong kinh tế năng lượng, gọi là chi phí ngừng cung cấp điện, nó được định nghĩa là một thiệt hại nền kinh tế phải gánh chịu khi mà 1 kWh không thể cung cấp được. Thiệt hại cực kỳ lớn. Hệ lụy vô cùng nhiều.
"Không có iPhone không chết, nhưng không có điện là chết. Điện là đầu vào, là hàng hóa thiết yếu đặc biệt, là đầu vào của các đầu vào. Nền kinh tế dịch chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp mà không có đầu vào đó thì không vận hành được. Mà nền kinh tế không vận hành thì không có tăng trưởng, không có gì cả. Đấy là về phương diện kinh tế, chúng tôi gọi là chi phí ngừng cung cấp điện", ông Hồi nói.
Lấy link