Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tổng kết và định hướng tại Hội nghị sơ kết công tác TT&TT 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, ngày 29/7.
Về hạ tầng số Việt Nam. Hạ tầng số Việt Nam bao gồm: 1- Hạ tầng viễn thông và Internet, 2- Hạ tầng dữ liệu, 3- Hạ tầng vật lý-số, 4- Hạ tầng CĐS. Muốn phát triển kinh tế số thì phải có hạ tầng số. Hạ tầng thì phải có cơ sở vật chất của hạ tầng đó và phải cung cấp dịch vụ thiết yếu, hỗ trợ các hoạt động KT-XH. Hạ tầng là cái nền cho phát triển. Cái nền thì phải đủ và phải phổ cập.
Hạ tầng số Việt Nam bao gồm: 1- Hạ tầng viễn thông (cáp quang, truyền dẫn, trạm phát sóng,...), hạ tầng Internet (Router, DNS,...), 2- Hạ tầng dữ liệu (IDC, Cloud,...), 3- Hạ tầng vật lý-số (số hoá mọi thứ của thế giới thực, mô phỏng nó, tạo ra ánh xạ 1-1 và tạo ra sự tương tác giữa thế giới thực và thế giới số (IoT để số hoá vạn vật, truyền dẫn IoT, dữ liệu mô phỏng vạn vật (thế giới vật lý có cái cầu thì trong thế giới số có dữ liệu do số hoá cái cầu và phần mềm mô phỏng cái cầu đó dựa trên dữ liệu được số hoá), lưu trữ và xử lý, nhất là xử lý dữ liệu lớn và AI), 4- Hạ tầng CĐS (các Digital Utility: ID số, chữ ký số, thanh toán số, hoá đơn số, chứng thực hợp đồng số, văn bản số).
Hạ tầng viễn thông, Internet, hạ tầng dữ liệu là hạ tầng cứng, hạ tầng vật lý. Hạ tầng vật lý-số thì các sensors, IoT, truyền dẫn, lưu trữ, xử lý dữ liệu là cứng, nhưng bản thân dữ liệu do vạn vật được số hoá và phần mềm mô phỏng vạn vật là phần chính của hạ tầng này thì lại là mềm. Vậy là hạ tầng này vừa cứng vừa mềm. Hạ tầng các Digital Utility phục vụ cho CĐS thì hoàn toàn là mềm (các platform phần mềm). Vậy là, hạ tầng số vừa bao gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm. Các lớp của hạ tầng số thì có cái cứng, cái mềm, có cả cái vừa cứng vừa mềm.