Windows 11 đã ra mắt được gần 3 năm và dù còn tồn tại một vài vấn đề, nhưng nhìn chung nó vẫn là một trong những bản cập nhật hệ điều hành có chất lượng tốt trong lịch sử Microsoft. Windows 11 có giao diện đẹp, cảm giác sử dụng trực quan và Microsoft đã liên tục cải tiến với các bản cập nhật mới.
Không nhiều người trong chúng ta có thể trải nghiệm tất cả các bản phát hành chính của Windows. Hầu hết người dùng tiếp xúc với Windows từ các bản Windows 95, 98 hay Windows XP. Nhưng có rất nhiều thứ dẫn đến hệ điều hành Windows 11 hiện tại. Suy cho cùng, Windows đã gần 40 năm tuổi.
Windows 1.0
Mặc dù ngày nay chúng ta biết đến Windows như một điều hành riêng biệt, nhưng thực chất nó bắt đầu là một GUI (giao diện đồ họa người dùng) được xây dựng trên Microsoft Disk Operating System, hay MS-DOS. Bản phát hành đầu tiên của Windows là Windows 1.0, được phát hành vào tháng 11 năm 1985 và cung cấp cho người dùng một giao diện trực quan hơn để tương tác với PC của họ thay vì chỉ là văn bản. Người dùng có thể mở các ứng dụng trong cửa sổ, mặc dù khái niệm về các cửa sổ chồng lên nhau không được triển khai ngay lập tức. Thay vào đó, các ứng dụng được xếp thành ô và chỉ có thể hiển thị cạnh nhau.
Windows 1.0 cũng bao gồm một số ứng dụng cung cấp cho người dùng cách để làm việc hiệu quả hơn, bao gồm Calculator, Calendar, Clipboard Viewer, Clock, Notepad, Paint, Cardfile, Terminal, và Write. Bạn cũng có thể chơi một vài ván Reversi nếu muốn giải trí.
Windows 2.x
Windows 2.0 được phát hành vào tháng 12 năm 1987 như phiên bản kế nhiệm của Windows 1.0 và vẫn dựa trên MS-DOS, nhưng đã mang lại một số cải tiến lớn. Nó có hiệu suất tổng thể tốt hơn, nhưng có lẽ thay đổi lớn nhất mà là việc bổ sung hỗ trợ cho giao diện chồng cửa sổ. Windows 2.0 cũng được phát hành theo hai phiên bản được thiết kế cho các loại bộ xử lý khác nhau và Windows/386 — phiên bản hiện đại hơn — có các tính năng như ưu tiên đa nhiệm.
Nhiều ứng dụng đi kèm trong Windows 2.0 giống như trong Windows 1.0, nhưng 2.0 sau đó được hỗ trợ nhiều ứng dụng hơn. Bản thân Microsoft đã tạo ra phiên bản đầu tiên của Word và Excel cho Windows vào năm 1989, đây là một sự kiện lớn. Windows 2.1 được ra mắt chỉ sáu tháng sau đó và là phiên bản Windows đầu tiên yêu cầu ổ đĩa cứng.
Windows 3.0
Bước tiếp theo trong lịch sử Windows là Windows 3.0, ra mắt vào tháng 5 năm 1990, có thiết kế lại đáng kể giao diện người dùng. Mặc dù vẫn hoạt động tương tự như trước, nhưng phiên bản này trông rất khác, thay thế giao diện phẳng bằng cảm giác 3D hơn cho các thành phần.
Windows 3.0 cũng bao gồm một số tính năng mới đáng chú ý. Ví dụ, MS-DOS Executive, trình quản lý tệp được sử dụng cho đến thời điểm đó, đã được thay thế bằng Program Manager, File Manager và Task List. Các bản cập nhật lớn khác bao gồm hỗ trợ máy tính khoa học trong ứng dụng Máy tính, Paint trở thành ứng dụng Paintbrush được cải tiến và bổ sung trò chơi kinh điển mọi thời đại Solitaire. Về cơ bản, Windows 3.0 cũng đã cải thiện khả năng quản lý bộ nhớ cho các bộ xử lý mới hơn.
Windows 3.0 đã nhận được một vài bản cập nhật lớn, nhưng đáng chú ý nhất có lẽ là Multimedia Extensions, bổ sung hỗ trợ ghi âm và phát âm thanh. Nó cũng bao gồm một ứng dụng đồng hồ báo thức mới. Windows 3.0 là thành công lớn đầu tiên của Microsoft trong mảng Windows.
Windows 3.1
Hai năm sau Windows 3.0, Windows 3.1 được phát hành. Phiên bản này bao gồm hệ thống phông chữ TrueType, giúp cho các phông chữ dễ đọc và có thể thu phóng. Các phông chữ mang tính biểu tượng mà chúng ta vẫn biết đến ngày nay, chẳng hạn như Times New Roman và Arial, cũng được giới thiệu vào thời điểm này. Rất nhiều biểu tượng được cải thiện và Windows 3.1 đã bổ sung hỗ trợ kéo và thả các mục, do đó bạn có thể kéo tệp vào biểu tượng ứng dụng hoặc cửa sổ để mở tệp đó bằng ứng dụng đó. Trong khi đó, Reversi đã được thay thế bằng game kinh điển Minesweeper, trở thành một phần chính của các bản phát hành Windows trong tương lai.
Windows 3.1 cũng bao gồm một số thay đổi lớn ở yêu cầu phần cứng và người dùng cần bộ xử lý Intel 80286 và ít nhất 1MB RAM để chạy hệ điều hành. Điều này cho phép Microsoft giải quyết một số vấn đề về tính ổn định mà người dùng gặp phải với Windows 3.0.
Windows NT 3.x
Microsoft đã xây dựng các phiên bản Windows dựa trên MS-DOS trong một thời gian tại thời điểm này, nhưng vào năm 1993, cuối cùng họ đã xuất xưởng phiên bản Windows đầu tiên với nhân Windows NT và vẫn dùng nhân này cho đến các bản Windows mới tận ngày nay. Windows NT 3.1 là hệ điều hành 32 bit có thể chạy trên bộ xử lý Intel x86, cũng như bộ xử lý DEC Alpha và MIPS. Tuy nhiên, nó có yêu cầu hệ thống cao hơn nhiều so với Windows 3.1, bao gồm 12MB RAM và card đồ họa VGA.
Mặc dù có cùng các tính năng như Windows 3.1, phiên bản này cũng bao gồm một số tính năng độc quyền như Performance Monitor, Disk Administrator, Event Viewer và ứng dụng Backup.
Windows NT 3.5 và 3.51 cũng được phát hành trong vài năm tiếp theo, bổ sung một số tính năng như hỗ trợ Winsock, FTP và các tính năng quan trọng khác dành cho doanh nghiệp. Các bản phát hành này cũng có hiệu suất được cải thiện. Windows NT 3.51 cũng bổ sung hỗ trợ cho bộ xử lý Power PC của IBM.
Windows 95 và Windows NT 4.0
Microsoft tiếp tục phát hành các phiên bản Windows dựa trên MS-DOS và Windows NT trong vài năm nữa, với Windows 95 và Windows NT 4.0 là các bản phát hành chính tiếp theo cho mỗi phiên bản. Các bản phát hành này đã giới thiệu những tính năng lớn, chẳng hạn như thanh tác vụ và menu Start, đây vẫn là những tính năng cơ bản trong Windows ngày nay. Thanh tác vụ (Taskbar) là nơi hiển thị các ứng dụng đang chạy và màn hình nền được sử dụng để chứa các biểu tượng phím tắt cho các ứng dụng. Và tất nhiên, Start menu là một cách để khởi chạy ứng dụng và mở tệp.
Ứng dụng File Manager đã được thay thế bằng Windows Explorer và lần đầu tiên giới thiệu Recycle Bin. Các thư mục người dùng như Documents cũng đã được thêm vào. AutoRun là một tính năng mới cho phép máy tính tự động thực hiện các hành động cụ thể khi ổ CD được kết nối với PC. Tính năng này vẫn còn hiện nay, nhưng giờ được gọi là AutoPlay và hoạt động với mọi loại ổ đĩa. Các tính năng mới khác bao gồm hỗ trợ Plug and Play cho các thiết bị ngoại vi và hỗ trợ tên tệp lên đến 255 ký tự. Mặc dù ban đầu không được bao gồm trong Windows 95, Internet Explorer đã được thêm vào như một tính năng sau này.
Windows NT 4.0 chủ yếu mang những thay đổi từ Windows 95 sang Windows NT, nhưng cũng bao gồm một số tính năng không có trong gói Windows 95 mặc định, như Space Cadet, một trong những trò chơi pinball mang tính biểu tượng nhất từ trước đến nay.
Windows 98
Windows 98 là phiên bản kế nhiệm của Windows 95 và chủ yếu tập trung vào việc cải thiện một số khía cạnh của bản phát hành trước. Windows 98 có nhiều thành phần dựa trên web hơn các bản phát hành trước, không chỉ đi kèm với Internet Explorer mà còn với các ứng dụng như Outlook Express, FrontPage Express và Microsoft Chat. Phiên bản này cũng có những cải tiến chung về giao diện, bao gồm khả năng thu nhỏ cửa sổ bằng cách nhấp vào chúng trên thanh tác vụ, cùng với thanh công cụ Quick Launch mới, cho phép ghim một số phím tắt nhất định để truy cập nhanh hơn trực tiếp từ thanh tác vụ. Windows Explorer cũng có một số cải tiến, như các nút back/forward và thanh địa chỉ.
Một bổ sung đáng chú ý là Active Desktop, cho phép thêm nội dung web trực tiếp vào màn hình nền với thông tin sẽ được cập nhật liên tục.
Ngoài ra còn có những cải tiến bên trong, như việc giới thiệu Windows Driver Model (WDM) để hỗ trợ phần cứng. Mặc dù có các bản cập nhật lớn, WDM vẫn được sử dụng trong Windows ngày nay. Tuy nhiên, bản phát hành này không đi kèm với Windows NT tương ứng.
Windows Me và Windows 2000
Quay lại với chiến lược phát hành kép lần cuối, Windows Me và Windows 2000 là các bản phát hành tương đương dựa trên MS-DOS và Windows NT. Windows 2000 được phát hành lần đầu tiên vào đầu năm 2000 và mang nhiều tính năng của Windows 98 đến Windows NT. Phiên bản này hỗ trợ cho nhiều ngôn ngữ ngoài tiếng Anh. Windows 2000 cũng giới thiệu bảng điều khiển Computer Management, bao gồm các công cụ như Disk Management, Device Manager và trình chống phân mảnh đĩa.
Windows Shell cũng có một số cải tiến lớn, với hỗ trợ cho các hiệu ứng như độ trong suốt và bóng đổ, và thanh tác vụ đã thêm hỗ trợ cho thông báo dạng bong bóng. Windows Explorer có các thanh công cụ tùy chỉnh, cùng với hỗ trợ tự động điền. Ngoài ra còn có hỗ trợ cho NTFS 3.0, hệ thống tệp mới cho Windows NT với các khả năng mới, cũng như mã hóa hệ thống tệp.
Windows Me bao gồm những cải tiến tương tự cho shell như Windows 2000, cùng nhiều tính năng mới so với các bản phát hành trước, bao gồm bổ sung Windows Movie Maker, trình chỉnh sửa video, cũng như các phiên bản cập nhật của Windows Media Player và Windows DVD Player. Các công cụ hệ thống mới như System Restore và các bản cập nhật tự động cũng được thêm vào. Windows Me cũng có hỗ trợ phần cứng được cải thiện. Tuy nhiên, cuối cùng, Windows Me đã đi vào lịch sử như một bản phát hành không ổn định và kém phổ biến.
Windows XP
Là một trong những phiên bản Windows mang tính biểu tượng nhất mọi thời đại, Windows XP được phát hành vào năm 2001 và là lần đầu tiên Microsoft loại bỏ hoàn toàn các hệ điều hành dựa trên MS-DOS. Windows XP chỉ dựa trên Windows NT và hướng đến cả người tiêu dùng và doanh nghiệp, không giống như các bản Windows NT trước đó tập trung nhiều hơn vào nhóm sau. Windows XP có giao diện người dùng được thiết kế lại hoàn toàn, được gọi là Luna, với giao diện nhiều màu sắc hơn nhiều (và hình nền Bliss huyền thoại). Windows XP cũng bổ sung các tính năng mới như nhóm tác vụ, trong đó nhiều phiên bản của cùng một ứng dụng được nhóm lại với nhau trên thanh tác vụ.
Tất nhiên, một loạt các tính năng và ứng dụng tích hợp đã được thêm vào hoặc cập nhật đáng kể trong Windows XP. Nhìn chung, Windows XP có hiệu suất và độ ổn định tốt hơn nhiều so với các phiên bản tiền nhiệm. Vì vậy, nó đã đạt được sức hút lớn với người tiêu dùng, trở thành một trong những phiên bản Windows thành công nhất trong lịch sử. Nó được hỗ trợ lâu hơn nhiều so với các chính sách vòng đời của Microsoft , nhận được các bản cập nhật bảo mật cho đến tận năm 2014. Tuy nhiên, một phần khiến người dùng khó có thể rời bỏ Windows XP là do phiên bản tiếp theo đầy thất vọng.
Windows Vista
Phát hành vào năm 2006, Windows Vista là một trong những hệ điều hành được đón nhận kém nhất. Windows Vista một lần nữa đại tu thiết kế hệ điều hành, với giao diện mới gọi là Windows Aero. Giao diện người dùng mới này sử dụng các hiệu ứng trong suốt, hoạt ảnh mới và nhìn chung có cảm giác sống động và đẹp hơn nhiều so với các bản trước, nhưng điều đó ảnh hưởng lớn đến hiệu suất. Ví dụ, yêu cầu về RAM cao hơn tám lần so với Windows XP và ngay cả khi đó, hiệu suất vẫn không tốt trên phần cứng vừa đủ đáp ứng.
Một chỉ trích khác đối với Windows Vista là việc triển khai User Account Control, được coi là đưa ra quá nhiều lời nhắc bảo mật khi người dùng thực hiện bất kỳ điều gì trên hệ thống. Vấn đề này được giải quyết sau đó, nhưng danh tiếng của Windows Vista đã nhanh chóng bị hoen ố và các bản cập nhật trong tương lai cũng không thể khắc phục, khiến nó trở thành một trong những phiên bản Windows ít được đánh giá cao nhất trong lịch sử của hệ điều hành này.
Tuy nhiên, nó đã đặt nền tảng cho bản phát hành Windows lớn tiếp theo và cũng giới thiệu một số cải tiến lớn cho các ứng dụng hệ thống. Những cải tiến này bao gồm Windows Media Player 11, Internet Explorer 7, Windows Search, Windows Mail và nhiều hơn nữa.
Windows 7
Microsoft đã rút kinh nghiệm từ những lời chỉ trích dành cho Windows Vista và tạo ra một thành công lớn với Windows 7 vào năm 2009. Về mặt giao diện, Windows 7 không nhiều khác biệt so với Vista. Microsoft đã cập nhật thiết kế Windows Aero với tính năng trong suốt và hiệu ứng hình ảnh bổ sung nếu không muốn nói là đẹp hơn Vista. Tuy nhiên, một số cập nhật lớn đã được thực hiện đối với các khía cạnh như thanh tác vụ, thay thế thanh công cụ Quick Launch bằng các ứng dụng có thể ghim trên thanh tác vụ, cũng như chỉ hiển thị biểu tượng ứng dụng trên thanh tác vụ thay vì kèm theo tên.
Một lần nữa, rất nhiều tính năng mới và cải tiến được đưa vào, bao gồm bản phát hành chính thức cuối cùng của Windows Media Player, phiên bản 12. Ứng dụng máy tính có hỗ trợ đa dòng và chuyển đổi đơn vị, Windows PowerShell được tích hợp lần đầu tiên và nhiều hơn nữa.
Mặc dù yêu cầu hệ thống lại tăng lên, nhưng mức tăng không đáng kể so với những thay đổi từ Windows XP lên Vista. Nhìn chung, Windows 7 được đánh giá cao hơn nhiều vì hiệu suất và độ ổn định được cải thiện đáng kể, và giống như Windows XP, nó đã trở thành một trong những phiên bản Windows thành công nhất trong lịch sử, được nhiều người dùng tiếp tục sử dụng bất kể có bản Windows mới ra mắt.
Windows 8
Vào năm 2012, có vẻ như Microsoft nhận ra rằng đã lâu rồi họ không tạo ra một phiên bản Windows tệ, vì vậy họ quyết định phát hành Windows 8. Với sự gia tăng của các thiết bị cảm ứng như smartphone và máy tính bảng, Microsoft đã cố gắng tạo ra một giao diện thân thiện hơn với cảm ứng dựa trên các ô và giao diện "Metro", có các thành phần lớn hơn, màu nổi bật và các góc sắc nét xung quanh. Start menu bị khai tử và thay thế bằng Start Screen, một môi trường hoàn toàn khác so với hình nền Windows.
Windows 8 cũng giới thiệu Windows Store, với các ứng dụng mới được thiết kế dành riêng cho Windows 8, nhưng các ứng dụng "modern" này chỉ có thể mở trên toàn màn hình hoặc được xếp cạnh nhau với một ứng dụng khác, khiến nó hạn chế hơn bất kỳ phiên bản Windows nào khác trong lịch sử. Các ứng dụng chỉ có thể được sử dụng ở hai kích thước khác nhau khi được đặt cạnh.
Tuy nhiên, Windows 8 cũng mang đến một số tính năng tốt, như tích hợp OneDrive, một số ứng dụng hệ thống như Windows Explorer giúp dễ dàng truy cập các tính năng phổ biến và về mặt hiệu suất, nó thực sự tốt hơn Windows 7 theo nhiều cách. Windows 8 cũng là lúc phiên bản Windows dành cho PC và thiết bị di động (lúc đó gọi là Windows Phone) bắt đầu thống nhất hơn về mặt thiết kế. Nhưng thực tế là giao diện người dùng mới rất khó làm quen khiến đây trở thành bản nâng cấp không mong muốn đối với hầu hết người dùng PC.
Windows 8.1 là bản cập nhật miễn phí cho người dùng Windows 8 nhằm giải quyết rất nhiều lời chỉ trích trước đó, cải thiện cách thức hoạt động của ứng dụng với các tùy chọn thay đổi kích thước mới và cải thiện hỗ trợ nhiều màn hình, nút Start đã được đưa trở lại (mặc dù nó vẫn mở ra màn hình Start) và nhiều hơn nữa.
Nhiều ứng dụng đi kèm cũng được cập nhật với các tính năng mới và thiết kế được cải thiện, bao gồm Internet Explorer 11. Microsoft cũng đã thêm một ứng dụng máy tính hiện đại hơn, trình ghi âm,... Vào khoảng thời gian này, Microsoft cũng bắt đầu hướng đến khái niệm ứng dụng "universal" cho PC và điện thoại chạy Windows, điều này sẽ trở nên phổ biến hơn trong Windows 10. Bất kể thế nào, Windows 8 nói chung đã đi vào lịch sử như một trong những phiên bản Windows tệ nhất cho đến nay.
Windows 10
Microsoft đã công bố Windows 10 vào năm 2014, cùng với chương trình Windows Insider, lần đầu tiên cho phép người dùng tham gian thử nghiệm beta Windows. Bản phát hành chính thức đầu tiên của Windows 10 diễn ra vào tháng 6 năm 2015. Windows 10 đã mang lại nhiều yếu tố được yêu thích của Windows 7, bao gồm menu Start mới, có nhiều yếu tố từ Windows 8, như Live Tiles. Nó cũng giúp mở các ứng dụng "modern" trong cửa sổ thay vì xếp chúng theo ô, xử lý chúng giống như các ứng dụng cổ điển. Windows 10 cũng thúc đẩy hơn nữa việc hợp nhất PC chạy Windows và smartphone mặc dù điện thoại Windows không thể trụ được trên thị trường.
Cùng với Windows 10, ý tưởng về Windows dưới dạng dịch vụ cũng xuất hiện và nhiều bản cập nhật đã được phát hành sau lần ra mắt đầu tiên vào năm 2015. Trên thực tế, bản thân Windows 10 là miễn phí nếu người dùng có Windows 7 hoặc 8.1.
Những bản cập nhật lớn sau này được gọi là bản cập nhật tính năng, vì chúng thường bổ sung các tính năng mới và thay vì thay đổi thương hiệu Windows, Microsoft đã bắt đầu thêm số phiên bản sau Windows 10. Do đó, chúng ta có các phiên bản Windows 10 là 1511, 1607, 1703, 1709, 1803, 1809, 1903, 1909, 2004, 20H2 và 21H1 (với 21H2 cũng được phát hành cho một số người dùng cùng với Windows 11). Rất nhiều tính năng mới đã được thêm vào theo cách này, trong khi một số tính năng đã bị ngừng.
Nhìn chung, Windows 10 cuối cùng đã được đón nhận nồng nhiệt, mặc dù có một số phản ứng trái chiều ban đầu từ những người dùng đã gắn bó với Windows 7 hoặc XP trong thời kỳ Windows 8. Thậm chí Microsoft cũng đã chật vật với phiên bản Windows tiếp theo cũng vì người dùng quá yêu thích Windows 10.
Windows 11
Ra mắt tháng 10 năm 2021, giống như Windows 10, đây là bản cập nhật miễn phí, nhưng lần này, các yêu cầu hệ thống đã được nâng lên đáng kể và mang lại nhiều thay đổi hơn so với hầu hết các bản cập nhật tính năng Windows 10 thường làm. Có một trải nghiệm hình ảnh hoàn toàn mới trên toàn bộ hệ thống, với cả hệ điều hành và các ứng dụng tích hợp được cập nhật với giao diện và tính năng mới.
Windows 11 biến Microsoft Store (trước đây là Windows Store) thành nơi mà mọi ứng dụng đều có thể được tìm thấy. Các ứng dụng có thể được liệt kê trên Microsoft Store ngay cả khi chính Microsoft không lưu trữ chúng và bạn thậm chí có thể tìm thấy các cửa hàng ứng dụng của bên thứ ba như Epic Games Store. Ngoài ra còn có Amazon Appstore để cài đặt ứng dụng Android, nhưng sau này đã bị gỡ bỏ.
Microsoft vẫn đang cải thiện hệ điều hành này. Các bản cập nhật hàng năm đã bổ sung nhiều thay đổi lớn, bao gồm File Explorer, Windows Copilot và các tính năng AI được làm mới trong các ứng dụng như Paint và Snipping Tool. Bản thân Windows 11 vẫn đang tiếp tục phát triển, vì vậy nó trông rất khác so với năm 2021.
Qua tất cả những thay đổi, Windows 11 vẫn có nhiều yếu tố quen thuộc đối với người dùng Windows và dù vẫn còn vài điểm yếu, nhìn chung đây vẫn là một trong những phiên bản Windows tốt.
Lấy link