Mới đây cuộc điều tra của The New York Times đã hé lộ một mạng lưới buôn lậu tinh vi đang giúp Trung Quốc tiếp cận những con chip AI mạnh mẽ của Nvidia, vượt qua hàng rào phong tỏa của Mỹ. Động thái này đang biến các nỗ lực của chính phủ Mỹ thành trò chơi "mèo đuổi chuột" khi muốn ngăn chặn các công ty Trung Quốc nắm trong tay những thiết bị và công nghệ chip hàng đầu thế giới hiện nay.
Trong bối cảnh cuộc đua AI giữa hai cường quốc ngày càng gay gắt, chính quyền tổng thống Biden đang cân nhắc mở rộng lệnh cấm xuất khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn sang các đồng minh như Israel, Singapore và Malaysia. Mối lo ngại chính của Mỹ là công nghệ AI tiên tiến có thể được sử dụng để hiện đại hóa quân đội nước ngoài, đe dọa vị thế an ninh toàn cầu của Washington.
Hiện tại NVIDIA, công ty đang dẫn đầu làn sóng AI toàn cầu, chỉ được phép bán phiên bản chip kém mạnh hơn tại thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, cuộc điều tra của New York Times cho thấy một mạng lưới các công ty bình phong đang tìm cách vượt qua lệnh cấm này. Đại diện từ 11 công ty Trung Quốc đã xác nhận việc bán hoặc vận chuyển chip NVIDIA bị cấm. Hơn thế nữa, báo cáo cũng tìm ra hàng chục website rao bán các chip NVIDIA này tại Trung Quốc.
Theo tài liệu từ tổ chức Center for Advanced Defense Studies của Mỹ, hơn một chục đơn vị có liên kết với nhà nước Trung Quốc đã mua chip NVIDIA trên thị trường chợ đen. Thậm chí, một trường đại học liên kết với Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đang sử dụng AI được vận hành bằng chip NVIDIA để nghiên cứu vũ khí hạt nhân.
Một doanh nhân Trung Quốc tiết lộ với Times rằng công ty của ông đã vận chuyển 2.000 máy chủ với chip NVIDIA "tiên tiến nhất" đến Trung Quốc vào tháng 4, trong một thương vụ trị giá 103 triệu USD. Ông còn khẳng định việc mua bán những con chip bị cấm này không hề khó khăn và rằng ông này thường mua được các con chip đó từ 3 đến 4 công ty khác nhau để bán lại cho các khách hàng bên Trung Quốc.
Phản hồi về vấn đề này, NVIDIA tuyên bố tuân thủ nghiêm ngặt các quy định kiểm soát xuất khẩu của Mỹ, nhưng thừa nhận rằng công ty khó kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng. Người phát ngôn Clarissa Eyu nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ có hành động thích hợp nếu phát hiện bất kỳ khách hàng nào vi phạm quy định."
Tình hình này không chỉ đặt ra thách thức lớn cho chính quyền Mỹ trong việc kiểm soát công nghệ nhạy cảm, đồng thời còn làm dấy lên lo ngại về khả năng duy trì ưu thế công nghệ trước đối thủ địa chính trị lớn nhất.
Lấy link