John Schulman, một trong những đồng sáng lập OpenAI, đã quyết định rời công ty để gia nhập startup AI đối thủ Anthropic. Chủ tịch kiêm co-founder Greg Brockman cũng tuyên bố nghỉ phép dài hạn đến cuối 2024 sau 9 năm cống hiến để “thư giãn và nạp lại năng lượng”.
Trong khi đó, Peter Deng, giám đốc sản phẩm gia nhập OpenAI vào năm ngoái sau khi giữ vai trò lãnh đạo tại Meta, Uber và Airtable, cũng tuyên bố từ chức cách đây một thời gian. Tin tức về sự ra đi của Brockman và Deng đã được The Information đưa ra trước đó.
“Chúng tôi biết ơn những đóng góp của John với tư cách thành viên nhóm sáng lập tại OpenAI và những nỗ lực tận tụy của anh ấy trong việc thúc đẩy nghiên cứu. Niềm đam mê và sự chăm chỉ đó đã tạo nên nền tảng vững chắc, truyền cảm hứng và hỗ trợ những đổi mới trong tương lai tại OpenAI”, một người cho biết.
Trước đó, Schulman đã đăng bài về quyết định của mình trên X, cho biết rằng quyết định này xuất phát từ mong muốn tập trung sâu vào sự liên kết AI — khoa học đảm bảo AI hoạt động theo đúng mục đích — và tham gia nhiều hơn vào công việc kỹ thuật thực hành. Schulman cho biết:
“Tôi đã quyết định theo đuổi mục tiêu này tại Anthropic, nơi tôi tin mình có thể có được những góc nhìn mới và nghiên cứu cùng đồng nghiệp những vấn đề tôi thực sự quan tâm. Tôi tin rằng OpenAI sẽ có thể tiếp tục phát triển mà không cần tôi”.
Được biết, Schulman bắt đầu tham gia OpenAI ngay sau khi hoàn thành chương trình Tiến sĩ về kỹ thuật điện và khoa học máy tính tại UC Berkeley. Anh chàng đã đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra nền tảng chatbot hỗ trợ AI ChatGPT.
Sau khi nhà nghiên cứu an toàn AI Jan Leike (người hiện cũng làm việc tại Anthropic) rời đi, Schulman trở thành người đứng đầu nỗ lực khoa học liên kết của OpenAI. Anh cũng là thành viên của ủy ban an toàn mới thành lập của OpenAI và hiện không rõ ai có thể thay thế Schulman trong vai trò này.
Bất chấp những tranh cãi xoay quanh OpenAI, đặc biệt liên quan đến cách tiếp cận và xử lý an toàn AI, Schulman cho biết ông không rời OpenAI không phải vì những lý do này.
“Các nhà lãnh đạo công ty đã cam kết đầu tư vào nghiên cứu liên kết. Quyết định của tôi là quyết định cá nhân, dựa trên cách tôi muốn tập trung nỗ lực của mình trong giai đoạn tiếp theo của sự nghiệp”.
Với sự ra đi của Schulman, hiện OpenAI chỉ còn lại 3 trong số 11 nhà sáng lập ban đầu, bao gồm Tổng giám đốc điều hành OpenAI Sam Altman, Brockman và Wojciech Zaremba, người đứng đầu bộ phận tạo ngôn ngữ và mã.
“Cảm ơn anh vì tất cả những gì anh đã làm cho OpenAI!”, Altman viết cho Schulman. “Anh là một nhà nghiên cứu xuất sắc, một nhà tư tưởng sâu sắc về sản phẩm và xã hội. Hơn hết, anh là một người bạn tuyệt vời. Chúng tôi sẽ rất nhớ anh và chắc chắn sẽ khiến anh tự hào về nơi này”.
Không chỉ Schulman, nhiều nhân tài tại OpenAI cũng đã lựa chọn dứt áo ra đi sau một khoảng thời gian làm việc cùng Sam Altman. William Saunders, một kỹ sư nghiên cứu đã rời OpenAI vào tháng 2. Ba cựu nhân viên OpenAI khác là Carroll Wainwright, Jacob Hilton và Daniel Ziegler nằm trong số này.
Nguyên nhân được cho là đến từ văn hóa ‘liều lĩnh’ tại công ty trí tuệ nhân tạo nức tiếng San Francisco. Lo ngại chủ yếu xoay quanh việc Sam Altman làm chưa đủ để ngăn chặn hệ thống AI trở nên nguy hiểm.
Có ý kiến cho rằng OpenAI, khởi đầu từ một phòng thí nghiệm nghiên cứu phi lợi nhuận, đang đặt lợi nhuận và tăng trưởng lên hàng đầu thay vì chú trọng an toàn người dùng. OpenAI cũng bị tố áp dụng chiến thuật cứng rắn để ngăn cản nhân viên bày tỏ mối quan ngại về công nghệ, trong đó có thoả thuận hạn chế nói xấu công ty nếu nghỉ việc.
Daniel Kokotajlo, cựu nhân viên thuộc bộ phận quản trị của OpenAI, cho biết: “OpenAI thực sự hào hứng với việc xây dựng A.G.I. Họ đang chạy đua một cách liều lĩnh để trở thành người tiên phong”.
Trước đó, OpenAI cũng phải đối mặt với các cuộc chiến pháp lý với những người sáng tạo nội dung cáo buộc công ty ăn cắp các tác phẩm có bản quyền để đào tạo sản phẩm. Kế hoạch ra mắt trợ lý giọng nói siêu thực gần đây cũng bị hủy sau tranh cãi công khai với nữ diễn viên Hollywood Scarlett Johansson - người cho rằng OpenAI đã bắt chước giọng nói của cô mà không hề xin phép.
Vào tháng 5, Tiến sĩ Sutskever, người từng tham gia hội đồng quản trị của OpenAI đồng thời bỏ phiếu sa thải ông Altman, đã đưa ra cảnh báo về những rủi ro AI tiềm ẩn. Sự ra đi của ông được một số nhân viên coi là bước lùi của OpenAI.
Gần đây nhất, Superalignment, nhóm có vai trò giảm thiểu rủi ro AI được OpenAI thành lập vào tháng 7/2023, vừa được tuyên bố giải thể. Lãnh đạo nhóm là Ilya Sutskever và Jan Leike cũng đệ đơn xin từ chức.
Phần lớn trong số họ đều tin rằng Sam Altman đã “biến chất”. Ông chủ OpenAI đang bước vào kỷ nguyên phản diện của mình.
Sau khi ChatGPT gây bão trên toàn thế giới vào cuối năm 2022, Altman từ chỗ hầu như không được ai biết đến đã trở thành cái tên quen thuộc. Ông được Tạp chí Times vinh danh là Giám đốc điều hành của năm 2023, đồng thời được Microsoft đặt hoàn toàn niềm tin thông qua khoản đầu tư 10 tỷ USD. Việc bị lật đổ trong thời gian ngắn vào năm ngoái cũng chỉ là cơ sự nhằm củng cố quyền lực của Sam.
“Đó là thế giới của Sam”, một nhà phát triển công nghệ nổi tiếng đã nói với BI năm ngoái. “Và tất cả chúng ta đang sống trong đó”.
Trong suốt thời gian đó, Sam Altman hứa sẽ làm tốt công việc của mình. “Tôi nghĩ chúng ta có thể có một thế giới tốt đẹp hơn rất nhiều”, Altman nói với BI năm ngoái về tiềm năng của AI. “Tôi nghĩ có một số việc cần phải làm để đạt được nó. Và tôi thích cảm giác mình có ích như vậy”.
“Sam Altman là anh hùng của tôi”, cựu Giám đốc điều hành Google Eric Schmidt đã tweet vào tháng 11. “Tôi và hàng tỷ người sẽ được hưởng lợi từ công việc tương lai của anh ấy. Cảm ơn @sama vì tất cả những gì bạn đã”.
Tuy nhiên, nhiều tháng trở lại đây, đã có những lời xì xào rằng Altman có thể không ‘thần thánh’ đến vây. Một số chuyên gia còn nhướng mày trước mạng lưới đầu tư có phần hơi ‘mộng tưởng’.
Theo: TechCrunch, Business Insider
Lấy link