Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (Comac) đã nhận một loạt đơn đặt hàng trong nước đối với dòng máy bay thân hẹp C919 được sản xuất trong nước. Với số lượng đơn đặt hàng tăng mạnh, Comac đã chứng minh được năng lực sản xuất của mình. Nhà sản xuất máy bay này đã lên kế hoạch mở rộng hoạt động ra nước ngoài, thách thức sự độc quyền của Airbus và Boeing.
Tuy nhiên, C919 đến nay vẫn chưa có chứng nhận quan trọng từ các cơ quan quản lý hàng không ở châu Âu hay Mỹ và cũng gặp phải một số khó khăn về địa chính trị. Trong bối cảnh đó, Đông Nam Á là thị trường mang lại hy vọng cho Comac, khi hãng hàng không TransNusa có trụ sở tại Jakarta đang “trong tầm ngắm” và Brunei, Trung Đông cũng là thị trường tiềm năng.
Shukor Yusof, nhà sáng lập hãng tư vấn ngành hàng không Endau Analytics tại Singapore, cho biết: “Tôi kỳ vọng TransNusa sẽ ‘trung thành’ với Comac và cuối cùng họ sẽ sử dụng C919. Hãng này cần những dòng máy bay phản lực lớn hơn để phát triển và cạnh tranh một cách hiệu quả. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu có một đơn đặt hàng được thực hiện trong 2 năm tới.”
Nhân sự của Comac ở Jakarta đang giúp TransNusa đào tạo phi công. Họ đang chuẩn bị triển khai thêm sau khi 2 máy bay phản lực Comac ARJ21 đã bay quanh quần đảo Indonesia trong 1 năm. Chiếc ARJ21 thứ 3 cũng đã đến Jakarta vào tháng 5 và chuẩn bị hoạt động.
Yusof dự báo Comac sẽ đưa ra các ưu đãi và giảm giá khi TransNusa dự định ký hợp đồng với hãng. Ông nói: “Trong khi tiếp tục mua máy bay Airbus hoặc máy bay cũ, TransNusa sẽ tìm kiếm các lựa chọn với Comac về C919.”
Ngoài ARJ21, đội bay của TransNusa có 4 chiếc A320 với “tuổi bay” trung bình là 18 năm. Do đó, hãng có thể cần mua máy bay mới để duy trì các chặng bay chính từ Jakarta đến Singapore, Kuala Lumpur và các thành phố ở Trung Quốc.
Tập đoàn cho thuê máy bay Trung Quốc (CALG), được bảo trợ bởi tập đoàn tài chính nhà nước China Everbright Group, cũng là một cổ đông trong TransNusa. Vào tháng 6, Everbright đã gia hạn quan hệ đối tác chiến lược với Comac - vốn được thống nhất lần đầu tiên vào năm 2018 và mối liên kết này có thể đóng vai trò môi giới và hỗ trợ cho các giao dịch trong tương lai.
Tuy nhiên, nhóm kinh doanh của Comac còn nhắm đến những mục tiêu khác, không chỉ dừng lại ở TransNusa. Dự báo của Hội đồng Sân bay Quốc tế (ACI) cho biết Indonesia sẽ là thị trường lớn thứ 4 thế giới về lưu lượng di chuyển vào những năm 2040, đứng sau Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ. Hiện tại, thị trường hàng không của nước này đang đứng thứ 13 thế giới và lớn nhất trong khối ASEAN.
Trong khi đó, Comac cũng đang nhắm đến Brunei. Thị trường này được coi là một “bệ phóng” khác khi Comac đã ký hợp đồng 2 tỷ USD với GallopAir để mua 30 máy bay, bao gồm cả C919 vào tháng 9. GallopAir, thuộc sở hữu của Tập đoàn đầu tư Tianju có trụ sở tại Thiểm Tây, Trung Quốc, dự kiến sẽ hoạt động vào cuối năm nay.
Theo Reuters, CEO của GallopAir, Cham Chi, cho biết vào tháng 2, hãng đã nộp đơn xin chứng nhận cho C919 lên các cơ quan quản lý ở Brunei.
Zhang Xin, giáo sư kỹ thuật ngành hàng không vũ trụ tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, nhận định, việc dòng 737 của Boeing dễ xảy ra tai nạn sẽ làm tăng thêm sức hấp dẫn của C919, trong khi Airbus đang gặp khó khăn do hạn chế về năng lực.
Chưa dừng ở đó, Trung Đông cũng là thị trường mà Comac muốn hướng tới. Chủ tịch Comac, He Dongfeng, đã có chuyến thăm đến Ả Rập Xê Út hồi tháng 5 và tham gia cuộc hội đàm với hãng hàng không quốc gia Saudia.
Giáo sư Zhang cho biết thêm: “Hành khách từ châu Á và châu Âu đến Bán đảo Ả Rập và châu Phi có thể bay đến các trung tâm như Dubai, Doha hoặc Riyadh, sau đó nối chuyến trên các máy bay nhỏ đến điểm cuối cùng. Bởi vậy, đây cũng là một thị trường tiềm năng cho C919.”
Dẫu vậy, các vấn đề khác có thể là rủi ro đối với tiềm năng của C919, vì các khu vực khác khó có thể phê duyệt dòng máy bay này. Một báo cáo của Viện Nghiên cứu Ngoại giao và Kinh tế của Đại học Nhân dân Trung Quốc công bố vào tháng 2 cảnh báo: “Do mâu thuẫn địa chính trị, C919 khó có thể có chứng nhận bay ở châu Âu hoặc châu Mỹ.”
Tham khảo SCMP
Lấy link