Thông tin trên được ông Nguyễn Trịnh Đình Hòa, Quyền trưởng phòng Bưu chính Viễn thông, Sở TT&TT TPHCM đưa ra tại buổi họp báo kinh tế xã hội chiều 18/7.
Ông Hoà cho biết, kể từ ngày 15/9 sẽ ngừng mạng di động 2G đối với các thiết bị điện thoại chỉ sử dụng được mạng này. Còn các thiết bị smartphone (điện thoại thông minh) 4G vẫn kết nối bình thường.
"Có câu hỏi đặt ra liệu việc ngừng sóng 2G có quá sớm hay không, tuy nhiên, Bộ TT&TT đã triển khai trong thời gian dài. Từ tháng 7/2021, các thiết bị sử dụng 2G sản xuất cũng như nhập khẩu, mua bán trên thị trường phải tích hợp 4G (hoặc 4G có công nghệ 2G). Do đó, hầu như trên thị trường hiện nay không có điện thoại 2G", ông Hòa nói.
Từ cuối năm 2023, Sở TT&TT đã phối hợp UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện kiểm tra các điểm, cửa hàng mua bán điện thoại. Qua kiểm tra ngẫu nhiên, không có cửa hàng nào kinh doanh, mua bán thiết bị điện thoại chỉ có mạng 2G.
Theo thông tin dữ liệu quý 1/2024 do Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp, TPHCM có 14 triệu thuê bao điện thoại di động, chiếm tỷ lệ 149/100 dân số. Đồng thời có 10,6 triệu người sử dụng smartphone kết nối 3G, 4G, tương đương tỷ lệ 113/100 dân.
"Do đó, khi dừng sóng 2G, ảnh hưởng đến người dân là có, nhưng rất ít. Trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp các đơn vị để đánh giá tác động đến đối tượng nào và có hỗ trợ để chuyển đổi thúc đẩy sang dùng 4G", ông Hòa thông tin.
Trả lời về vấn đề xử lý sim rác, tin nhắn rác, lừa đảo qua điện thoại, đại diện Sở TT&TT cho biết, ngoài các biện pháp của Bộ, Sở đã hướng dẫn, phối hợp với UBND TP Thủ Đức, các quận huyện tiến hành kiểm tra, xử lý các cửa hàng mua bán sim đã kích hoạt và sử dụng trước (sim rác, sim đăng ký thuê bao không chính chủ).
Sở cũng tăng cường phối hợp với Công an TPHCM để xác minh và xử lý vi phạm của các chủ thuê bao có dấu hiệu lừa đảo như giả mạo cá nhân, tổ chức nhà nước.
Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM đang tổng hợp danh sách những người có sức ảnh hưởng đến cộng đồng hoạt động trên địa bàn để quản lý.