Ngày 20/6 vừa qua, con tàu Energy Observer chạy bằng hydro đã trở về cảng nhà Saint-Malo, Pháp - nơi nó đã khởi hành, đánh dấu sự kết thúc của hành trình vòng quanh thế giới kéo dài 7 năm.
Khởi hành vào mùa xuân năm 2017, con tàu đã đi được hơn 68.000 hải lý khắp Địa Trung Hải, vòng quanh Bắc Âu, băng qua Đại Tây Dương, băng qua Thái Bình Dương vào Châu Á, vòng quanh Châu Phi và đến Bắc Mỹ. Đến nay, Energy Observer đã đi qua hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và từng cập bến TP Hồ Chí Minh (Việt Nam). Điều đáng nói là con tàu này chu du khắp thế giới nhưng không hề cần đến nhiên liệu.
Hành trình thú vị mà con tàu không nhiên liệu này đi qua đã được truyền thông cả thế giới dõi theo trong suốt nhiều năm.
Con tàu không nhiên liệu - "phòng thí nghiệm nổi" của tương lai
Được coi là một “phòng thí nghiệm nổi”, Energy Observer sử dụng năng lượng tái tạo như tấm pin mặt trời, tua-bin gió, điện phân và pin nhiên liệu để tạo ra và lưu trữ năng lượng.
Công ty sản xuất con tàu cho biết Odyssey đã chứng minh được tính khả thi của công nghệ sạch, tái tạo trong "mọi điều kiện có thể, từ cái lạnh của Bắc Cực đến cái nóng của vùng nhiệt đới".
Được phủ 202m2 tấm pin quang điện (PV) sử dụng các công nghệ PV đơn mặt và hai mặt, Energy Observer tự hào có công suất năng lượng mặt trời là 34 kWp. Các tấm pin này đã trải qua thí nghiệm nhiều lần với các điều kiện khắc nghiệt, bao gồm nước biển mặn, tia UV mạnh và ánh nắng mặt trời lên tới 75°C mới có thể đảm bảo hiệu suất của chúng trong môi trường hàng hải.
Con tàu đã đi vòng quanh thế giới với năng lượng "tự thân"
Các tấm pin mặt trời không chỉ cung cấp nhu cầu điện tức thời cho tàu mà còn cung cấp năng lượng cho thiết bị khử muối trong nước và sạc pin cho những lúc không có nắng. Để lưu trữ năng lượng lâu dài, tàu được trang bị một pin nhiên liệu hydro 70 kW được chế tạo riêng. Energy Observer đã sản xuất tổng cộng hơn 1,3 tấn hydro trên tàu. Ngoài ra, nó được trang bị hai cánh đẩy tự động, được gọi là Ocean Wings, giúp đẩy tàu về phía trước và từ đó tiết kiệm năng lượng hơn. Phi hành đoàn có thể theo dõi sản lượng năng lượng của tất cả các hệ thống trên tàu theo thời gian thực, đảm bảo hiệu suất tối ưu.
Bên trong Energy Observer
Victorien Erussard, người sáng lập và là thuyền trưởng của Energy Observer, cho biết: “Sự trở lại Saint-Malo lần này là bước đi mang tính biểu tượng khép lại một chương trong cuộc phiêu lưu đặc biệt của con người và công nghệ. Energy Observer là một lời mời gọi chúng ta suy nghĩ lại về thế giới của mình và khám phá những con đường mới hướng tới tương lai năng lượng ít carbon".
Mặc dù thừa nhận rằng "vẫn còn nhiều việc phải làm và nhiều chỗ cần cải thiện", Erussard cho biết nhóm nghiên cứu rất tự hào về kết quả đạt được.
Khi chuyến đi này kết thúc, Energy Observer sẽ hướng tới những cuộc phiêu lưu mới. Dựa trên những công nghệ đã có, Energy Observer 2 sẽ phát triển một con tàu carbon chạy bằng hydro lỏng, cho phép "điều hướng không phát thải, đồng thời cung cấp khả năng vận chuyển rất cao và khả năng tự lái tuyệt vời". Công ty cũng đã có kế hoạch nghiên cứu Energy Observer 3 – phòng thí nghiệm tiếp theo để thử nghiệm nhiên liệu điện tử và các công nghệ liên quan cũng như hệ thống lưu trữ năng lượng.
Nguồn: Forbes, CBS
Lấy link