BYD đang vận chuyển 5 toa tàu bằng đường biển, khởi hành vào tháng 5 từ tỉnh Giang Tô Trung Quốc hướng tới Brazil. Chúng sẽ sớm được vận hành trên tuyến đường dài 17,7 km do Sao Paulo Metro xây dựng. Theo báo cáo, tuyến này bắt đầu hoạt động sớm nhất vào năm 2026.
Tại buổi lễ đánh dấu chuyến giao hàng đầu tiên, Phó chủ tịch BYD Ren Lin cho biết công ty rất coi trọng dự án này bởi đây là cơ hội đẩy mạnh hoạt động thâm nhập thị trường nước ngoài. Đại diện công ty cho biết Ấn Độ và Châu Phi cũng là hai trong số những khu vực hứa hẹn nhất.
Một số công nghệ thúc đẩy sự thành công của BYD với xe điện, chẳng hạn như pin và thông tin liên lạc không dây, đang được ứng dụng vào công cuộc đường ray đơn. Theo một báo cáo từ Mordor Intelligence, thị trường này dự kiến sẽ chạm mốc 6,8 tỷ USD vào năm 2027, tăng khoảng 20% so với năm 2021.
BYD gia nhập lĩnh vực mới mẻ với tuyến đường ray được xây dựng cho trụ sở chính ở Thâm Quyến vào năm 2016. Năm 2017, công ty đã thành lập một công ty con chuyên xử lý hoạt động xây dựng nhà ga và đường ray.
Lúc đầu, BYD nhắm mục tiêu phát triển đường ray đơn chạy trên một đường ray trung tâm duy nhất, song lượng đơn đặt hàng ở Trung Quốc không được như mong đợi do chi phí xây dựng cao. Chính phủ cũng ra rất nhiều quy định chặt chẽ.
Hệ thống đường ray đơn đang được xây dựng ở Brazil là loại tàu kéo trong khi ở Trung Quốc, BYD đang phát triển một hệ thống mới khác biệt, giống xe buýt điện trên cao.
SkyShuttle, đang vận hành ở Thâm Quyến, chạy từ ga đường sắt cao tốc Pingshan đến ga chuyên dụng tại trụ sở BYD. Tuyến đường dài 8,5 km sẽ đi trong khoảng 20 phút.
SkyShuttle Thâm Quyến có 4 toa, mỗi toa có 1 bộ cửa. Chúng hoàn toàn tự động dù hãng vẫn bố trí nhân viên trên tàu để đảm bảo an toàn.
Theo Nikkei Asia, đơn đặt hàng SkyShuttle của Trung Quốc đang tăng lên. Sức chứa mỗi toa rơi vào khoảng 70 hành khách.
SkyShuttle được trang bị pin sạc nhanh tại các trạm. Loại pin sử dụng là lithium-iron-phosphate, hay còn được gọi là pin Blade. SkyShuttle có thể được sạc đầy chỉ trong 1 giờ và có thể đi được 200km sau mỗi lần sạc.
SkyShuttle Thâm Quyến sử dụng hệ thống tín hiệu và mạng không dây tốc độ cao để quản lý vị trí và trạng thái. Chúng bắt đầu hoạt động tại Trùng Khánh vào năm 2021 và hiện đang vận hành trên 7 tuyến tàu tại Trung Quốc, bao gồm cả Thâm Quyến. Một hệ thống khác sẽ sớm khánh thành ở Tây An vào nửa cuối năm nay.
Nhờ sử dụng pin, chi phí xây dựng SkyShuttle trên mỗi km đường sắt là khoảng 100 triệu nhân dân tệ - rẻ hơn khoảng 30% đến 60% so với loại tàu chạy bằng dây xích. Thời gian thi công cũng ngắn hơn.
“Về trách nhiệm với môi trường, chúng tôi tuân thủ nghiêm ngặt quy định. Khi phát triển xe điện, chúng tôi cũng tái chế pin. Các thành phần trong pin hầu như không gây ô nhiễm vì không có nhiều kim loại nặng”, ông Liu khẳng định.
Doanh số bán xe điện và xe plug-in hybrid của BYD đã tăng gần gấp 3 lần trong nửa đầu năm. Thành công một phần đến từ chiến lược thử nghiệm thị trường với các phương tiện thương mại như xe buýt điện.
Tại Brazil, BYD lần đầu tiên gia nhập thị trường xe buýt điện vào năm 2015, sau đó là xe điện chở khách vào năm 2022. Công ty đang xây dựng một nhà máy lắp ráp xe điện và các phương tiện năng lượng mới khác tại Brazil, với kế hoạch khởi động nhà máy này vào năm 2024 hoặc đầu năm 2025.
Được biết, thời vẫn còn sản xuất linh kiện cho các hãng công nghệ như Xiaomi, Oppo, Huawei..., năm 2007, BYD bất ngờ công bố sản xuất xe buýt điện. Khi ấy mức ô nhiễm môi trường ở Trung Quốc khá nặng. Đất nước tỷ dân sở hữu nhiều nguồn nhiên liệu từ than và các khoáng sản nhưng lại thiếu xăng, phải nhập khẩu đến 70% để phục vụ nhu cầu vận tải.
Thời điểm đó một chiếc xe buýt phát thải bằng 33 xe con khiến chính quyền Bắc Kinh đưa ra nhiều chính sách để giảm phát thải, trong đó có điện hóa xe buýt. Sở hữu công nghệ kỹ thuật pin sạc tiên tiến, BYD dễ dàng dấn thân, chiếm lĩnh thị trường rồi xuất khẩu sang 70 quốc gia và vùng lãnh thổ.
“Họ nói chúng tôi sản xuất pin thì biết gì sản xuất ô tô. Lúc đó chúng tôi thấy mình giống như những nhà sản xuất iPhone ở năm 2007. Chẳng ai sẽ tin xe điện sẽ tràn ngập khắp Trung Quốc”, ông Liu chia sẻ.
Theo Financial Times, tham vọng của BYD đã vượt ra ngoài ô tô và biên giới Trung Quốc. Khi thế giới cố gắng loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, công ty tự định vị mình là một “cường quốc” chuyên sản xuất công nghệ xanh, chẳng hạn như pin lithium hàng đầu, mô-đun năng lượng mặt trời, xe buýt chạy bằng điện, phần mềm điều khiển và kết nối các hệ thống giao thông, năng lượng…
“Mọi người chắc không nhận ra tham vọng lớn hơn của BYD là trở thành một công ty hệ sinh thái năng lượng”, Bridget McCarthy, đại diện quỹ phòng hộ Snow Bull Capital, nói. “Họ đang cố gắng nói: ‘Chúng tôi sẽ điện khí hóa đội xe thương mại của bạn, chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn bộ lưu trữ năng lượng, chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn năng lượng mặt trời để bạn có thể tạo ra điện”.
Chiến lược của Wang - rằng nhu cầu về công nghệ xanh sẽ bùng nổ - trùng với nỗ lực của Bắc Kinh trong việc xóa bỏ ô nhiễm và giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ nước ngoài. Công ty năm ngoái đạt doanh thu 602,3 tỷ Rmb (83,2 tỷ USD) sau khi bán 3 triệu xe, tăng gấp 5 lần so với hồi năm 2018.
“BYD là một điều kỳ diệu”, cựu Phó chủ tịch Berkshire Charlie Munger nói với podcast Acquired và gọi Wang là thiên tài. “Ông ấy giỏi tạo ra mọi thứ hơn Elon Musk”.
Sự tăng trưởng nhanh chóng của BYD đóng vai trò quan trọng trong tham vọng trỗi dậy của Trung Quốc với tư cách siêu cường công nghệ sạch của thế giới. Các công ty Trung Quốc thống trị chuỗi cung ứng tài nguyên, sản xuất và công nghệ quan trọng phục vụ xe điện, pin cũng như năng lượng gió và mặt trời.
Theo: Nikkei Asia, Financial Times
Lấy link