Hà Nam tạo điều kiện để người khuyết tật tiếp cận với công nghệ số

Nhờ có chuyển đổi số, người khuyết tật (NKT) trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã từng bước tham gia vào các hoạt động xã hội, hòa nhập cộng đồng một cách thuận tiện và đầy đủ hơn.


Nhằm góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống và tạo điều kiện thuận lợi để NKT tham gia bình đẳng vào các hoạt động của xã hội, những năm qua các cấp, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã vào cuộc hỗ trợ tích cực để NKT hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống.


Tháng 5/2024 vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu và Hành động vì sự Phát triển hòa nhập (IDEA) phối hợp với Hội NKT tỉnh tổ chức tọa đàm, chia sẻ kết quả nghiên cứu đánh giá về sự tham gia của phụ nữ khuyết tật và đồng bào dân tộc thiểu số trong tiến trình xây dựng, vận động chính sách về chuyển đổi số tại Việt Nam.


Với chủ đề “Cùng hành động để NKT tiếp cận và sống độc lập”, các đại biểu là NKT được nghe những chia sẻ, khuyến nghị của đại diện một số sở, ngành mong muốn thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng yếu thế như NKT, đặc biệt là phụ nữ khuyết tật hay đồng bào dân tộc thiểu số trong quá trình tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến và kinh tế số…


Việc chuyển đổi số đang không ngừng lan tỏa, mở ra nhiều cơ hội để NKT chủ động hơn trong việc tiếp cận, thích ứng và hòa nhập cộng đồng, tạo sự bình đẳng trong xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống.


Hà Nam tạo điều kiện để người khuyết tật tiếp cận với công nghệ số
Lương y Trần Quang Dũng, Chủ tịch Hội NKT tỉnh sử dụng máy tính nhận đặt hàng các đơn thuốc đông y.

Ông Nguyễn Cao Cải là NKT ở phường Hoàng Đông (Duy Tiên), hiện kinh doanh, buôn bán cây cảnh cho biết: Trước đây, mỗi lần giao dịch, chào bán cây rất khó khăn, người mua phải đến tận vườn nhà tôi để xem, chốt đơn hàng. Từ khi có thiết bị điện thoại thông minh, kết hợp sử dụng phần mềm trên các nền tảng zalo, facebook tôi có thể chụp hình cây cảnh, chào bán trên mạng hoặc gửi hình trực tiếp cho khách hàng, giúp khách hàng có thể lựa chọn cây một cách nhanh chóng mà không tốn thời gian, công sức đi lại, qua đó, giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí của cả 2 bên bán và mua.


Chị Kiều Thị Ngọc (ở phường Duy Minh, làm việc tại Văn phòng Taxi Phú Đông, thị xã Duy Tiên) hiện là Chủ nhiệm CLB Phụ nữ khuyết tật tỉnh. Trong công việc hằng ngày, chị thường xuyên áp dụng công nghệ số, tiếp cận với các thiết bị thông minh như theo dõi hành trình xe qua màn hình, dùng bộ đàm để liên lạc, điều hành xe… Bản thân chị bị khuyết tật bẩm sinh dạng vận động nhưng chị đã không ngừng học hỏi, ứng dụng công nghệ vào công việc.


"Thời đại công nghệ thông tin ngày một phát triển, những NKT như chúng tôi liên tục phải cập nhật kiến thức công nghệ số, với những người bình thường thì có thể dễ dàng tiếp cận, nắm bắt nhanh hơn. Bản thân chúng tôi là NKT cũng có những hạn chế nhất định, nhất là với những phần mềm khó, nhưng chúng tôi cố gắng học để sử dụng, nhất là các ứng dụng hay các trang web thường xuyên gắn với công việc hằng ngày của mình". Chị Ngọc chia sẻ.


Anh Thái Đình Tuấn, Chủ tịch Hội NKT thành phố Phủ Lý chia sẻ: Khó khăn đối với NKT sử dụng công nghệ số là một bộ phận NKT bị khiếm thị sẽ không có khả năng sử dụng hình ảnh, họ chỉ có thể trực tiếp nghe, trao đổi. Khi người khiếm thị sử dụng các ứng dụng, họ thường lướt tay trên màn hình rồi tìm đến biểu tượng để chạm vào. Tuy nhiên, có những ứng dụng khi người khiếm thị chạm vào lại không đọc nên gây nhiều khó khăn cho họ khi sử dụng.


Đặc biệt, nếu muốn đăng ký tài khoản trên mạng xã hội, một số trang web yêu cầu nhập mã (thường được sử dụng trong các biểu mẫu đăng ký, đăng nhập, tạo tài khoản, các hoạt động trực tuyến khác trên điện thoại hoặc máy tính bảng, máy tính…), trình đọc màn hình không đọc được, người khiếm thị bắt buộc phải nhờ người khác hỗ trợ gây không ít khó khăn đối với họ.


Ông Trần Quang Dũng, Chủ tịch Hội NKT tỉnh Hà Nam cho biết: Nhờ có chuyển đổi số, NKT trên địa bàn tỉnh đã từng bước tham gia vào các hoạt động xã hội, hòa nhập cộng đồng một cách thuận tiện và đầy đủ hơn. Với sự trợ giúp từ người thân, nhiều NKT đã dần từng bước tự thực hiện một số các dịch vụ trực tuyến như: Nhận tiền trợ cấp xã hội qua ATM, tìm kiếm và áp dụng một số thủ tục hành chính trực tuyến, ngân hàng trực tuyến, tìm kiếm các cơ hội việc làm, mua sắm online, kết nối với bạn bè, người thân… Thực tế cũng có không ít NKT đạt được những thành công nhờ áp dụng công nghệ thông tin.


Để NKT không bị bỏ lại phía sau, phát huy năng lực, khả năng của mình cần có thêm các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để NKT được tiếp cận, làm quen với công nghệ số sớm hơn.


Bên cạnh đó thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn về sử dụng các ứng dụng số, tiện ích công nghệ số và bảo đảm an toàn trên không gian mạng cho NKT và các tổ chức của NKT. Từng bước xây dựng, phát triển những nhóm nòng cốt về “hỗ trợ công nghệ” tại các hội, câu lạc bộ của NKT như một hình thức trợ giúp hội viên thường xuyên. Từ đó, giúp họ làm chủ công nghệ để có việc làm ổn định, lâu dài, có đóng góp tích cực cho xã hội, giúp họ vươn lên trong cuộc sống.


Theo Lê Dũng (Báo Hà Nam)









Ha Nam tao dieu kien de nguoi khuyet tat tiep can voi cong nghe so


Nho co chuyen doi so, nguoi khuyet tat (NKT) tren dia ban tinh Ha Nam da tung buoc tham gia vao cac hoat dong xa hoi, hoa nhap cong dong mot cach thuan tien va day du hon.

Hà Nam tạo điều kiện để người khuyết tật tiếp cận với công nghệ số

Nhờ có chuyển đổi số, người khuyết tật (NKT) trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã từng bước tham gia vào các hoạt động xã hội, hòa nhập cộng đồng một cách thuận tiện và đầy đủ hơn.
Hà Nam tạo điều kiện để người khuyết tật tiếp cận với công nghệ số
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: