Nhà khoa học tìm cách ghép đôi cho vượn đen má trắng

10 năm qua, các nhà khoa học tại Trạm đa dạng sinh học Mê Linh (Vĩnh Phúc) luôn tìm kiếm vượn đen má trắng cái ghép đôi với hai con đực đang có nhằm nhân giống, giữ nguồn gene.


Vượn đen má trắng tên khoa học Nomascus leucogenys, là loài bản địa của Việt Nam, Lào và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), thuộc nhóm linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới. Vượn đen má trắng được xếp vào nhóm cực kỳ nguy cấp trong Danh lục Đỏ của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN Red Book). Hơn 10 năm trước, Trạm đa dạng sinh học Mê Linh, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, tiếp nhận hai con vượn đen má trắng đực. Để nhân giống loài này, cần cá thể giống cái. Tuy nhiên, đến nay đơn vị này vẫn chưa tìm được con cái ghép đôi nhân giống, giữ nguồn gene và bảo tồn loài động vật này.


Ông Đặng Nguyên Phương, Trưởng Trạm đa dạng sinh học Mê Linh, cho biết hiện một số trung tâm bảo tồn động vật hoang dã phía Bắc cũng đang giữ gene loài vượn cực kỳ quý hiếm này. Nhưng ở những nơi đó vượn cũng đã có cặp, hoặc cũng chỉ có cá thể đực nên việc trao đổi nguồn gene không thực hiện được. Ông hy vọng tìm được 1 - 2 con cái, để ghép đôi với hai con vượn đực, tạo ra F1. Khi có nhiều con F1 sẽ tìm cách đưa vượn F1 ra tự nhiên.


Theo ước đoán, hai con vượn đực khoảng 14 - 15 tuổi. Trong tự nhiên, tuổi loài vượn này được ghi nhận lên đến 28 năm. Trong điều kiện nuôi nhốt thì tuổi đời có thể dài hơn. Theo ông Phương, giữa các trung tâm, trạm bảo tồn đang xây dựng quy chế phối hợp bảo tồn gene động vật hoang dã quý hiếm. Khi một nơi xuất hiện thêm một con cái vượn đen má trắng, trạm có thể trao đổi. Lãnh đạo Trạm đa dạng sinh học Mê Linh kêu gọi trong dân nếu có người nuôi giữ con cái vượn đen má trắng, có thể trao đổi hoặc tặng các nhà khoa học, phục vụ nghiên cứu và duy trì nguồn gene loài này.


Giới tính của vượn đen má trắng trưởng thành được phân biệt qua màu lông. Khi nhỏ chúng không khác nhau, nhưng khi lớn thì lông con đực có màu đen, con cái có màu vàng. Tại Việt Nam, các báo cáo ghi nhận năm 2011 có 41 đàn và 127 cá thể. Năm 2020 có ít nhất 22 đàn được xác nhận tại Vườn Quốc gia Pù Mát, Nghệ An (gần biên giới với Lào); bên cạnh đó có một quần thể khác gồm 64 đàn và 182 cá thể tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, Thanh Hóa.


Theo ông Lương Xuân Hồng, Giám đốc Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội, dựa trên số lượng cá thể vượn đen má trắng tại Việt Nam "vẫn có khả năng tìm bạn tình để ghép cặp sinh sản cho các cá thể vượn đen má trắng đực tại Trạm đa dạng sinh học Mê Linh". Tuy nhiên, theo ông để ghép đôi sinh sản cần có nhiều điều kiện về kỹ thuật và cơ sở vật chất. Cụ thể, chuồng trại cần phù hợp phục vụ ghép đôi sinh sản và tuân thủ các bước trong kỹ thuật. Việc nuôi dưỡng và cho sinh sản vượn đen má trắng, cần có đánh giá chuyên sâu về lịch sử, sinh lý, sức khỏe của từng cá thể, đặc biệt là tính cách của từng cá thể để đảm bảo chúng thực sự phù hợp.


Ông cho rằng, trước khi quyết định cho sinh sản, người quản lý phải có kế hoạch cụ thể về việc tái thả các cá thể về tự nhiên bao gồm đánh giá về khu vực thả phù hợp, đủ an toàn, có nguồn thức ăn, không có tranh chấp nguồn lực giữa các loài, thả con non một mình ở độ tuổi phù hợp hay thả cả nhóm... Theo ông Hồng, mỗi bước cần được đánh giá khả thi, khảo sát, lên kế hoạch và tuân thủ nghiêm túc để việc cho vượn sinh sản đạt kết quả cao.


Giám đốc Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội cho rằng, việc nhân giống vượn đen má trắng thuận lợi hay khó khăn phụ thuộc vào mục đích việc nhân nuôi sinh sản. Nếu vượn sinh ra trong nuôi nhốt và sẽ ở trong nuôi nhốt trọn đời không phải là nhân nuôi để bảo tồn loài. Đồng nghĩa với việc, cần có đủ cơ sở vật chất chuồng trại để nuôi vượn con từ khi chúng được sinh ra cho đến tuổi tách mẹ. Sau đó, thêm chuồng trại cho chúng khi trưởng thành. Việc này đòi hỏi cơ sở nuôi có nhiều không gian, tiền bạc và kỹ thuật để nuôi các cá thể mà không đóng góp vào mục tiêu bảo tồn.


Để bảo tồn vượn đen má trắng, theo ông Hồng có thể thực hiện bằng cách cho sinh sản sau đó thả con ở tuổi tách mẹ vào khu vực đang có đồng loại sinh sống. Tuy nhiên cách này có rủi ro về tranh chấp lãnh thổ giữa các cá thể. Ông dẫn chứng, một nghiên cứu gần đẩy chỉ ra, việc tái thả vượn được sinh sản trong nuôi nhốt ra ngoài tự nhiên có nguy cơ làm giảm dân số của vượn về lâu dài. Nguyên nhân do ảnh hưởng tiêu cực về hành vi của vượn được sinh trong nuôi nhốt đối với các cá thể có sẵn ngoài tự nhiên có thể in dấu trong gene của các cá thể qua nhiều thế hệ.


Ông cho rằng, tái thả vượn được sinh ra trong nuôi nhốt cần có kế hoạch rõ ràng và nghiêm túc thực hiện các bước kỹ thuật theo từng giai đoạn, đảm bảo thành công và không làm hại đến các cá thể có sẵn ngoài tự nhiên. Bởi, những loài ăn thực vật, hoa quả có vai trò phân phối hạt cây như vượn có tầm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe sinh thái của rừng.


Tại Việt Nam hiện Trung tâm linh trưởng Đảo Tiên tại Vườn Quốc gia Cát Tiên là nơi đã thả các cá thể vượn con ra tự nhiên.


Minh Trang - Hà An









Nha khoa hoc tim cach ghep doi cho vuon den ma trang


10 nam qua, cac nha khoa hoc tai Tram da dang sinh hoc Me Linh (Vinh Phuc) luon tim kiem vuon den ma trang cai ghep doi voi hai con duc dang co nham nhan giong, giu nguon gene.

Nhà khoa học tìm cách ghép đôi cho vượn đen má trắng

10 năm qua, các nhà khoa học tại Trạm đa dạng sinh học Mê Linh (Vĩnh Phúc) luôn tìm kiếm vượn đen má trắng cái ghép đôi với hai con đực đang có nhằm nhân giống, giữ nguồn gene.
Nhà khoa học tìm cách ghép đôi cho vượn đen má trắng
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: