Cô ấy xóa biệt danh trong Messenger của bạn, đổi màu cuộc trò chuyện, chuyển biểu tượng cảm xúc về thành nút like, đó là lúc bạn biết mình đang bị dỗi. Mặc dù đa số mọi người không biết được lý do tại sao họ bị dỗi, nhưng chắc chắn họ đều có thể cảm nhận được, dỗi là như thế nào?
"Dỗi là hành vi rúi lui, từ chối giao tiếp, cắt đứt sự tương tác đang diễn ra", một nghiên cứu trên tạp chí Social Development viết. Theo đó, dỗi được đặc trưng bởi ít nhất một trong bốn tín hiệu mà bạn có thể quan sát được bao gồm: (1) quay đi, (2) giữ khoảnh cách vật lý, (3) tránh ánh mắt, (4) im lặng/không phản hồi với mọi hình thức giao tiếp.
Tin tốt là một khi ai đó dỗi bạn, điều đó có nghĩa là họ vẫn còn yêu bạn. Nikos Marinos, nhà tâm lý học tốt nghiệp từ Đại học Sorbonne, cho biết: "Dỗi là một trong những món quà kỳ lạ của tình yêu".
Điều đó có nghĩa là cô ấy không thể dỗi bạn nếu cô ấy không yêu bạn. Nhưng có một tin xấu. Cơn dỗi sẽ tạo ra một cảm giác vô cùng khó chịu, nó kích hoạt não bộ, tại một vùng tạo ra cảm giác đau giống với khi bị dao cứa.
Bởi vậy mà trong nhiều thế kỷ, ngay cả các nhà triết học cũng không thể hiểu nổi bản chất của "dỗi": Tại sao khi yêu ai đó, bạn lại muốn làm đau họ?
Dỗi, rõ ràng, là một nghịch lý. Tồn tại giữa hành vi dỗi hờn lành mạnh với dỗi hờn độc hại là một ranh giới rất mong manh, thứ mà nhiều người có thể sử dụng như một công cụ thao túng tâm lý.
Làm sao để phân biệt được hai loại hành vi này, và bạn nên làm gì khi bị dỗi? Hãy cùng tìm hiểu:
Hãy nhớ lại lần cuối cùng bạn bị ai đó dỗi, nguyên nhân là gì? Bạn không gạt chỗ để chân cho cô ấy, bạn không nắm tay cô ấy khi đi dạo, hay bạn không lái xe đến công ty đón cô ấy khi trời mưa?
"Cô ấy nằm mơ thấy tôi ngoại tình, lúc dậy cô ấy đánh tôi một trận tơi bời".
"Cô ấy nhắn "Em đi ngủ nha", tôi trả lời "Chúc em ngủ ngon", thế là nguyên ngày hôm sau cô ấy không nói chuyện với tôi nữa".
"Cô ấy hỏi tôi "Em có béo không, anh phải trả lời thật lòng". Tôi bảo "Có", thế là cô ấy dỗi".
Có vô vàn nguyên nhân – từ có lý đến cực kỳ vô lý – khiến phụ nữ hờn dỗi. Nhưng tựu chung lại, chúng đều xuất phát từ một lý do duy nhất: Kỳ vọng được thấu hiểu.
Khi bạn gái giận bạn vì không gạt chỗ để chân cho cô ấy, cô ấy muốn bạn hiểu rằng bạn cần phải tinh tế hơn. Nếu cô ấy dỗi bạn vì không nắm tay khi đi dạo, đó là tín hiệu cho bạn thấy cô ấy muốn bạn thể hiện tình cảm một cách công khai.
Cuối cùng, nếu bạn gái bạn muốn bạn đón cô ấy ở công ty mỗi khi trời mưa, điều đó có thể đơn giản là vì cô ấy không thể lái xe khi đeo kính ướt.
Nhưng tại sao phụ nữ lại không nói ra điều họ muốn hoặc kỳ vọng: "Hôm nay trời mưa, em không thể lái xe về vì kính em sẽ bị ướt. Em đi xa như vậy rất nguy hiểm. Anh đến đón em nhé?". Đơn giản là vậy, và sẽ không có cơn dỗi hờn nào cả.
Đó là bởi khi yêu, phụ nữ đã cho bạn một đặc quyền: Được là người thấu hiểu họ.
Chẳng người phụ nữ nào dỗi hờn một tài xế công nghệ nếu họ hủy cuốc xe khi trời mưa. Họ có thể tức giận, nhưng chắc chắn không phải hờn dỗi. Hờn dỗi chỉ là phản ứng dành riêng cho những người mà phụ nữ muốn họ hiểu mình – dù không cần phải nói ra.
Alain de Botton, một triết gia người Anh, tác giả cuốn sách "Khóa học về tình yêu" giải thích:
"Cội nguồn của hờn dỗi bắt nguồn từ thời thơ ấu của chúng ta, từ một khái niệm đẹp đẽ nhưng nguy hiểm gọi là: Lời hứa về sự thấu hiểu không lời. Từ khi còn trong bụng mẹ, chúng ta chưa bao giờ phải giải thích bất cứ điều gì.
Mọi yêu cầu của chúng ta đều được đáp ứng ngay lập tức, một cách đơn giản và hiển nhiên. Điều này sẽ vẫn tiếp diễn trong những năm đầu đời. Chúng ta không cần phải nói rõ mình muốn gì: Những người lớn tốt bụng sẽ đoán hộ chúng ta.
Họ nhìn thấu những giọt nước mắt của chúng ta, những sự không rõ ràng, những bối rối của chúng ta: Họ luôn tìm ra lời giải thích cho những khó chịu mà chúng ta chưa có khả năng diễn đạt bằng lời".
Từ đó có thể hiểu, khi một người lớn dỗi hờn, họ chỉ đơn giản là khuếch đại phản ứng "trẻ con" vốn có. Họ muốn đối phương hiểu họ - bằng cách không nói ra. Khi một người phụ nữ dỗi, họ muốn nhỏ lại thành một đứa trẻ, còn người đàn ông sẽ đóng vai người lớn tốt bụng.
"Chỉ có khả năng đọc suy nghĩ chính xác và không lời mới có thể coi là một dấu hiệu thực sự cho thấy đối tác của chúng ta là người đáng tin cậy. Chỉ khi không cần phải giải thích gì thì chúng ta mới cảm thấy chắc chắn rằng mình đã được thấu hiểu thực sự", De Botton viết.
"Vì vậy, được hờn dỗi cũng là một đặc ân. Điều đó có nghĩa là người kia tôn trọng và tin tưởng bạn đến mức đủ để nghĩ rằng bạn nên hiểu nỗi đau không nói ra của họ".
Đến đây, bạn đã biết vì bạn có một vị trí trong trái tim người phụ nữ thì bạn mới có đặc quyền bị hờn dỗi. Nhưng bây giờ là lúc đối mặt với bức tường của nghịch lý: Làm thế nào để hiểu được cơn dỗi, khi người dỗi từ chối giải thích, từ chối nói ra mong muốn của họ với người bị dỗi?
"Cốt lõi của hờn dỗi là sự pha trộn khó hiểu, giữa sự tức giận dữ dội với ý chí mãnh liệt không kém rằng họ sẽ không nói ra điều khiến họ tức giận. Người hờn dỗi rất cần người kia hiểu mình, nhưng họ nhất quyết không làm gì để giúp người kia hiểu điều đó", De Botton viết.
Đây chính là đặc điểm điểm cơ bản khiến người bị dỗi cảm thấy vô cùng khó chịu. Họ liên tục phải đoán xem người dỗi đang nghĩ gì, tại sao họ lại dỗi mình và phải làm gì để khiến họ hết giận?
Toàn bộ hành trình này là đơn độc, bởi bất cứ khi nào bạn hỏi: "Em làm sao thế?", "Tại sao em dỗi?", "Anh cần phải làm gì?", thứ bạn nhận lại được cũng chỉ là sự im lặng.
Phụ nữ sẽ dùng mọi cách để từ chối tham gia đối thoại với bạn để cùng bạn giải quyết vấn đề. Họ rút lui khỏi mối quan hệ, ngắt giao tiếp với bạn bằng mọi cách, không gặp, không nói chuyện, không nghe điện thoại, không trả lời tin nhắn và tất nhiên là không giải thích.
Từ chối giải thích chính là thứ đem đến sức mạnh cho một cơn dỗi. Hãy thử so sánh độ "sát thương" của hai kịch bản sau đây:
Kịch bản 1: Trời mưa, cô ấy tan làm, tự đi xe máy về nhà. Cô ấy gặp bạn, đi qua bạn mà không nói gì.
- Em sao thế?
- Trời mưa anh không đón em. Anh chả thương em. Em sẽ dỗi anh cả ngày mai.
Kịch bản 2: Trời mưa, cô ấy tan làm, tự đi xe máy về nhà. Cô ấy gặp bạn, đi qua bạn mà không nói gì.
- Em sao thế?
- Chẳng sao cả!
Naomi Eisenberger, một nhà tâm lý học đến từ Đại học California, đã tìm thấy trong một thí nghiệm vào năm 2003, rằng sự từ chối có thể kích hoạt những vùng não tạo ra cảm giác đau, giống như các vùng não tạo ra nỗi đau thể xác.
Bằng cách quét não bộ của những tình nguyện viên tham gia nghiên cứu bằng máy cộng hưởng từ chức năng fMRI, Eisenberger nhận ra thùy não trước và vành vỏ não trước của tình nguyện viên sẽ sáng lên nếu họ bị đặt vào một tình huống bị từ chối.
Kết quả là tình nguyện viên không chỉ báo cáo cảm giác khó chịu về mặt tâm lý, họ trực tiếp cảm nhận được nỗi đau tâm lý, giống với những nỗi đau về mặt thể xác.
Dỗi vì vậy cũng có thể hoạt động như một "vũ khí tra tấn", đồng thời là một công cụ thao túng tâm lý. Và điều này đặc biệt đúng khi nói đến phụ nữ, bởi hành vi dỗi có thể đem đến cho họ một thứ sức mạnh mềm để cân bằng được cán cân quyền lực so với phái mạnh.
Năm 1992, một nhà trị liệu tâm lý người Anh tên là Windy Dryden đã nhận thấy hầu hết những phụ nữ hay dỗi thường là những bà nội trợ, ở nhà, không đi làm và thiếu quyền tự chủ về tài chính.
Những người phụ nữ này sử dụng hành vi dỗi của họ như một cách vừa để phòng vệ, vừa để thao túng người đàn ông của họ. Họ không tự mình nói ra suy nghĩ của mình, vì họ sợ việc thể hiện nó một cách trực tiếp.
Nhưng đồng thời, sự im lặng và hờn dỗi có thể khiến người đàn ông liên tục phải đoán nhu cầu của họ và tìm cách để đáp ứng nó. Người phụ nữ im lặng đóng vai vô can trong việc đòi hỏi nhu cầu này.
Giả sử một người phụ nữ nội trợ muốn mua một chiếc váy mới nhưng cố ấy không có tiền. Đồng thời, cô ấy cũng biết mình đã có quá nhiều váy và đòi thêm một chiếc váy mới không phải là nhu cầu chính đáng. Khi đó, tìm một lý do để dỗi chồng có thể là cách để cô ấy đạt được mục đích:
"Hãy dỗi anh ấy, rồi anh ấy sẽ tìm mọi cách để xoa dịu cảm giác khó chịu và cơn đau ở vùng thùy não trước và vành vỏ não trước của mình. Trong những cách đó, có thể anh ấy sẽ mua cho mình một chiếc váy mới".
David Hume, triết gia người Scotland sống ở thế kỷ 18 từng nhận định rằng phụ nữ đã sử dụng những chiến lược không lời như vậy trong suốt chiều dài lịch sử, để "chia sẻ quyền và đặc quyền xã hội" với những người đàn ông của họ.
Điều đó vẫn đúng cho tới tận ngày nay, khi dỗi hờn vẫn là một "công cụ xã hội hữu ích" đối với phụ nữ. Như Judith Martin, tác giả cuốn sách "Hoa hậu không thân thiện", người huấn luyện kỹ năng ứng xử cho các hoa hậu nổi tiếng, từng viết:
"Hờn dỗi là sự phản kháng lý tưởng của một người bất lực về mặt lý thuyết đối với một người được cho là có quyền lực". Vì vậy, khi một người phụ nữ cảm thấy bất lực và muốn đạt được một quyền lực nào đó, nhiều khả năng họ sẽ dỗi.
Với sức mạnh to lớn và vô hình của dỗi, không khó để tưởng tượng một số người có thể cố tình sử dụng nó như một chiến lược thao túng tâm lý, nhằm đạt được mục đích ban đầu mà họ đề ra.
Tuy nhiên, nếu dỗi hoạt động một cách vô thức với mục đích thuần túy là trao cho người đàn ông của họ đặc quyền được thấu hiểu họ, hành động này có thể được coi như một thứ gia vị không thể thiếu trong tình yêu đôi lứa.
Hiểu theo cách này, sẽ có một lời giải thích đơn giản cho nghịch lý của hờn dỗi. Và những người đàn ông cũng không phải đau khổ khi người phụ nữ của họ dỗi nữa. Điều cần làm là nhận thức được rằng hờn dỗi thực ra vẫn là một cuộc đối thoại hợp tác.
Như Paul Grice, một nhà triết học ngôn ngữ người Anh từng lập luận: Mọi cuộc đối thoại đều là "những nỗ lực hợp tác", trong đó những người tham gia có một mục đích chung là hiểu được nhau.
Việc coi nhau là những người giao tiếp hợp tác cho phép chúng ta hiểu được những cuộc trò chuyện mà thoạt nghe thì có vẻ chẳng liên quan hoặc hoàn toàn vô nghĩa.
Ví dụ, nếu tôi hỏi bạn: "Tối mai đi uống cà phê nhé?" và bạn nói rằng: "Mai là sinh nhật mẹ tôi".
Thoạt nhìn câu trả lời chẳng hề liên quan gì cả, nhưng với việc tôi và bạn là hai người giao tiếp đang "nỗ lực hợp tác" như Grice nói, tôi có thể hiểu ý của bạn thực sự là: "Không, tối mai tôi không thể đi cà phê với bạn được. Vì tối mai là sinh nhật mẹ và tôi sẽ ở nhà với bà ấy".
Giao tiếp hợp tác không chỉ cho phép bạn từ chối lời mời một cách gián tiếp và lịch sự, mà nó còn cung cấp cho tôi nhiều thông tin hơn là một câu trả lời "Không" trực tiếp và ngắn gọn.
Vậy nên, mặc dù dỗi là một hành vi rút lui, cắt đứt tương tác và từ chối giao tiếp, thế nhưng khi xét về bản chất triết học như lý thuyết của Paul Grice chia sẻ, nó vẫn là một "cuộc đối thoại hợp tác".
Bất kể hành vi của người dỗi là gì, họ bỏ đi, vào phòng đóng sầm cửa, họ không trả lời tin nhắn của bạn, họ từ chối gặp bạn, không nói chuyện với bạn, tất cả các hành động này đều là một tín hiệu truyền đến người bị dỗi.
Dịch ra, nó có nghĩa là: "Lẽ ra anh phải hiểu em. Em đã cho anh đặc quyền được hiểu em, như một người mẹ hiểu đứa con trong bụng mình. Tại sao anh lại không hiểu thứ em muốn là gì?".
Khi biết rằng mặc dù cô ấy dỗi, cô ấy vẫn đang hợp tác trong mối quan hệ của hai bạn, bạn sẽ thấy mình không hề bị bỏ rơi. Vùng thùy não trước và vành vỏ não trước của bạn sẽ không còn cảm thấy đau đớn và khó chịu nữa.
Điều cần làm tiếp theo là gì?
De Botton nói rằng: "Lý tưởng nhất, chúng ta vẫn có thể cười, theo cách nhẹ nhàng nhất, khi chúng ta trở thành mục tiêu đặc biệt cho cơn thịnh nộ của người hờn dỗi".
Người phụ nữ đang hờn dỗi ta, người mang trong hình hài của một người lớn, cao một mét sáu và có thể tỏ ra trưởng thành hơn bất kỳ ai khác ở ngoài kia, nhưng đối với riêng ta, cô ấy vẫn là một đứa trẻ.
Cô ấy muốn được ta quan tâm như cách bố mẹ quan tâm cô ấy. Cô ấy muốn được ta thấu hiểu như cách bố mẹ cô ấy thấu hiểu cô ấy. Cô ấy muốn ta là những người tiếp nối tình yêu đầu tiên mà cô ấy nhận được trên cõi đời này.
Vì vậy, yêu một người phụ nữ khi hờn dỗi cũng chính là yêu lấy đứa trẻ bên trong cô ấy, một đứa trẻ còn chưa trưởng thành, không thể diễn đạt mong muốn của mình bằng lời nói, nhưng lúc nào cũng có nhu cầu được hiểu thấu.
Lấy link