Việt Nam cần dồn hết sức mạnh để thiết kế chip
Trong phần chia sẻ tại Hội thảo Hợp tác phát triển công nghiệp bán dẫn ngày 29/5, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đã giới thiệu cuốn sách vừa được dịch sang tiếng Việt có nhan đề “Chiến tranh bán dẫn”. Theo Chủ tịch FPT, cuốn "Chiến tranh bán dẫn" cho rằng cuộc chiến vi mạch ngày càng ngày càng khốc liệt. Ai sẽ là bá chủ thế giới? Đồng tiền của ai sẽ quyết định thế giới và tài sản của nhân loại? Những câu hỏi lớn đó không biết bao giờ kết thúc.
“Sức mạnh quan trọng nhất của Mỹ là quân sự, chính trị, công nghệ và ngoại giao. Tuy nhiên, cuộc chiến chip không nằm trên lãnh thổ Mỹ. Đây là sự mạo hiểm vô cùng đối với nước Mỹ. Vì vậy, Mỹ đưa ra Đạo luật chip Mỹ, hạn chế khả năng tự cung cấp bán dẫn của Trung Quốc, được thông qua năm 2023. Đạo luật này đảm bảo Mỹ có thể làm chủ con chip, không phụ thuộc vào bất cứ quốc gia nào. Đạo luật chip Mỹ đưa một loạt quốc gia là điểm đến gồm: Việt Nam, Ấn Độ, Mexico... và Việt Nam có cơ hội lớn để tham gia sản xuất”, ông Trương Gia Bình nói.
Chủ tịch FPT nói tiếp: “Ở Mỹ, tôi cũng gặp gỡ các bạn Việt kiều đã tự thân lập nghiệp, làm chip trên đất Mỹ. Các bạn ấy yêu nước và đang tìm mọi cách hỗ trợ đất nước, chia sẻ, truyền nghề cho giới trẻ trong nước. Chúng ta có chung một chữ Việt Nam, bây giờ là Việt Nam AI, Việt Nam semiconductor… CEO Nvidia nói với tôi: Việt Nam có 1 triệu người làm CNTT, nửa triệu người làm phần mềm. Nếu các bạn bước vào làm AI (trí tuệ nhân tạo) và bán dẫn thì các bạn sẽ trở thành dân tộc tiên tiến nhất. Tôi có niềm tin vào đất nước này hơn bao giờ hết. Thiên thời là quan trọng nhất. Thiên thời đã đến với dân tộc ăn đũa. Việt Nam cần dồn hết sức mạnh, ý chí, tinh thần, của cải để thiết kế chip, không phụ thuộc vào ai”.
“Làm chip khó 1, bán hàng khó 10”
Chia sẻ với VietNamNet, ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch FPT Semiconductor, cho hay Đạo luật chip ra đời và Việt Nam có cơ hội tham gia vào vòng lõi - làm ra con chip.
Ông Hòa cho rằng người Việt Nam rất giỏi Toán. Chúng ta đã xây dựng ngành công nghiệp phần mềm với 1 triệu nhân sự. Nền công nghiệp phần mềm của Việt Nam không hề thua kém mặt bằng chung của thế giới. Việc chuyển từ phần mềm sang phần cứng sẽ không có nhiều trở ngại. Trung bình, FPT mất 6 tháng tới 1 năm để đào tạo, chuyển đổi một kỹ sư phần mềm sang phần cứng, sang làm chip.
Để thiết kế chip, có thể học chuyên sâu các môn Toán học, Vật lý, Hóa học, Tin học và học thêm về chip. Ở một số nước, ngoài kỹ sư CNTT đi học thêm chip, còn có cử nhân Toán học, Vật lý, Hóa học, Tin học học thêm về chip sau khi tốt nghiệp. Ở Việt Nam, sinh viên học ngành điện tử viễn thông rồi học thêm về chip và làm việc trong lĩnh vực này. Việt Nam có 100 triệu dân với rất nhiều người giỏi Toán, lập trình. Đây là điều kiện quan trọng để thành lập đội ngũ thiết kế chip, tạo lợi thế cho Việt Nam khi đầu tư vào chip.
Chủ tịch FPT Semiconductor thừa nhận bên cạnh câu chuyện nhân sự, bài toán bán hàng mới cũng là vấn đề lớn khi “làm chip khó 1, bán hàng khó 10” vì phải chọn đúng phân khúc sản phẩm. FPT đã chọn ngách chip nguồn và đang tìm thị trường ngách tiếp theo để giải bài toán này.
FPT Semiconductor đang tập trung vào các dòng chip phổ biến với công nghệ vừa phải. Bởi lẽ, công nghệ cao thì cạnh tranh rất gắt gao. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp không muốn đầu tư vào công nghệ tầm trung nữa. Đặc biệt, các dòng chip này có chi phí đầu tư và chi phí sản xuất phù hợp, giá thành bán cạnh tranh, vì thế đây sẽ là chiến lược để FPT Semiconductor gia nhập và thành công trong thị trường này.
Bà Nguyễn Thị Thu Giang, Tổng Thư ký Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa), cho rằng khi Vinasa gặp gỡ, trao đổi với đại diện làm chip bán dẫn ở các nước, họ tìm nhiều cách từ chối. Hiện Việt Nam, Thái Lan, Malaysia đều đang có cơ hội trong lĩnh vực này. Malaysia đang có nhiều người nói tiếng Trung giỏi còn Chính phủ Thái Lan có cơ chế cởi mở, tạo điều kiện cho nhà sản xuất. Nhưng Việt Nam mới đang có niềm tin, mong muốn, khát vọng đưa đất nước tiến lên và cố gắng nắm bắt cơ hội này. Việt Nam chỉ có 3-5 năm để làm và phải rất quyết liệt mới có thể làm được.
Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Trường Tùng - Giám đốc FPT Education, khẳng định đây là cơ hội lớn của Việt Nam và chúng ta có 3-5 năm để nắm bắt nó. “Tôi muốn nhấn mạnh công nghiệp chip bán dẫn cần nhiều người và đây là thách thức lớn. Chúng ta muốn tận dụng cơ hội này để tăng số lượng người Việt Nam làm việc trong lĩnh vực chip ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Nếu trong thời gian ngắn có được lượng lớn người Việt làm trong lĩnh vực này, không chỉ tại Việt Nam mà cả ở nước ngoài, thì đây sẽ là lợi thế của Việt Nam và làm nền tảng phát triển lĩnh vực khác. Ở tầm nhìn quốc gia, chúng ta mong muốn số người Việt làm việc trong lĩnh vực này càng đông càng tốt, khẳng định tên tuổi Việt Nam đối với ngành công nghiệp này trên quy mô toàn cầu”, Tiến sĩ Lê Trường Tùng nói.