Sau khi dành phần lớn cuộc đời sống độc thân, hồng hạc Gertrude 70 tuổi cuối cùng đã đẻ quả trứng đầu tiên, IFL Science hôm 30/5 đưa tin. Con vật là một phần của đàn hồng hạc gồm 62 thành viên sống trong khu bảo tồn thiên nhiên Pensthorpe ở Norfolk, Anh.
Khác với đa số đồng loại, Gertrude không mấy thành công khi tìm kiếm bạn tình. "Trong suốt cuộc đời, Gertrude khá trầm lặng và đứng ở cuối nhóm. Nhưng đột nhiên, năm nay nó tìm thấy sự tự tin mới và tán tỉnh mọi con đực", Ben Marshall, giám đốc điều hành khu bảo tồn, cho biết.
Cuối cùng, Gertrude lựa chọn ổn định với Gil, một con hồng hạc kém nó 33 tuổi. Tuổi tác dường như không cản trở mối quan hệ của chúng, vì sau một thời gian tán tỉnh, Gertrude đã đẻ quả trứng đầu tiên.
Đây là một thành tựu kép với Gertrude. Ngoài tự nhiên, hồng hạc thường chỉ sống khoảng 30 - 40 năm, đẻ trứng ở độ tuổi cao như vậy lại càng hiếm. "Tuổi trung bình của hồng hạc là khoảng 35. Vì vậy, thật kỳ diệu khi nó vẫn còn ở bên chúng tôi. Đó là minh chứng cho sự chăm chỉ của cả đội ngũ: Gertrude không chỉ khỏe mạnh, hạnh phúc mà còn có thể tìm thấy tình yêu ở tuổi này", Marshall nói.
Tuy nhiên, trứng của Gertrude không có khả năng nở thành con non, đồng nghĩa nó sẽ không trở thành mẹ trong năm nay. Marshall cho biết, việc đẻ một quả trứng vẫn là thành tựu đáng chú ý. "Việc thể hiện bản năng làm mẹ ở độ tuổi này vẫn thật tuyệt vời. Tôi chắc chắn Gertrude vẫn sẽ tiếp tục là một người bác vui vẻ của đàn hồng hạc", ông nói.
Họ Hồng hạc (Phoenicopteridae) gồm 6 loài chim lội nước sống theo đàn. Chúng có bộ lông hồng đặc trưng, mỏ dày cong xuống, đôi chân dài và mảnh, cổ dài, cánh lớn và đuôi ngắn. Chúng thường cao khoảng 90 - 150 cm. Để kiếm ăn, hồng hạc lang thang ở vùng nước nông, cúi đầu và đưa mỏ xuống dưới nước, khuấy động các vật liệu hữu cơ bằng đôi chân có màng. Chúng ăn nhiều loại thức ăn khác nhau như tảo, động vật thân mềm, động vật giáp xác.
Thu Thảo (Theo IFL Science)