Tác chiến điện tử của Nga đánh bại vệ tinh Starlink trên chiến trường Ukraine

Các quan chức Ukraine cho biết phía Nga đã phát triển công nghệ tác chiến điện tử tối tân, vô hiệu hoá Starlink trên diện rộng trong cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay.


Những cuộc gặp bí mật đưa Ukraine trở thành ‘phòng thí nghiệm’ AI chiến tranhCả Ukraine và các đối tác công nghệ đều tin rằng, họ đang tham gia một cuộc chơi lâu dài, khi biến chiến sự hiện tại thành nơi thử nghiệm cho chiến tranh tương lai.

Ngay trước khi quân đội Nga tràn qua biên giới phía bắc Ukraine, các thành viên Lữ đoàn xung kích số 92 của Ukraine đã mất đi một nguồn lực quan trọng - Starlink, dịch vụ liên lạc Internet vệ tinh được giới quân sự Kiev sử dụng chủ yếu để liên lạc, thu thập tình báo và hướng dẫn máy bay không người lái tấn công.


Starlink là dịch vụ cung cấp bởi SpaceX, startup công nghệ hàng không vũ trụ hàng đầu hiện nay, thuộc sở hữu của tỷ phú Elon Musk. Ngay từ những ngày đầu cuộc xung đột nổ ra, liên lạc Internet vệ tinh đã đóng vai trò quan trọng với quân đội Ukraine.


Các binh sĩ, quan chức và chuyên gia tác chiến điện tử Ukraine, cho biết họ không thể liên lạc nhanh chóng, phải dùng tin nhắn văn bản để chia sẻ thông tin về các cuộc tấn công bất ngờ, khi kết nối Internet vệ tinh bị vô hiệu hoá trên diện rộng tại mặt trận phía Bắc.


bbb1z1.jpg
Kết nối Internet vệ tinh Starlink có vai trò quan trọng với Ukraine. Ảnh: Bloomberg

Nguyên nhân là phía Nga đã triển khai các loại vũ khí điện tử mạnh hơn, cùng công cụ tinh vi hơn làm suy yếu khả năng hoạt động của Starlink trên chiến trường. Sự cố ngừng hoạt động mới nhất gần Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.


Nếu Moscow tiếp tục thành công trong việc vô hiệu hoá công nghệ của SpaceX, cục diện trong cuộc xung đột này có thể thay đổi hoàn toàn, làm nổi bật tính dễ tổn thương của Ukraine và sự phụ thuộc vào công ty công nghệ nước ngoài.


Trong khi đó, với Elon Musk, câu hỏi rộng hơn về độ tin cậy của Starlink trong ứng dụng thực tế sẽ được đặt ra bởi chính phủ Mỹ hay các đối tác.


Starlink hoạt động dựa vào các vệ tinh quỹ đạo thấp quay quanh Trái đất. Ở dưới mặt đất, hộp thu tín hiệu đầu cuối có kích thước bằng hộp bánh pizza, tích hợp thiết bị phân phối kết nối như bộ định tuyến Wifi cho laptop, smartphone hay thiết bị điện tử khác ở gần.


Tuần trước, Mykhailo Fedorov, Bộ trưởng kỹ thuật số Ukraine, cho biết dịch vụ liên lạc vệ tinh trước đây từng hoạt động tương đối ổn định bất chấp tác chiến điện tử trên chiến trường, song các cuộc can thiệp gần đây của Nga cho thấy dường như họ đã sử dụng công nghệ mới và tiên tiến hơn.


“Họ đang thử nghiệm các cơ chế khác nhau nhằm phá vỡ kết nối Starlink - điều rất quan trọng với chúng tôi”, Fedorvov nói nhưng không cung cấp thêm chi tiết về cái được gọi là vũ khí điện tử “mạnh mẽ”.


The New York Times cho hay, một quan chức lãnh đạo tác chiến điện tử của Nga nói với truyền thông nhà nước vào tháng trước rằng quân đội đã đưa Starlink vào “danh sách mục tiêu” và phát triển công cụ chống lại dịch vụ này.


Starlink suy yếu


Bất kỳ gián đoạn nào tại những thời điểm quan trọng trên chiến trường đều khiến các binh sĩ Ukraine, những người vốn đã căng thẳng, càng gặp thêm bất lợi.


Ajax, chỉ huy phó tiểu đoàn máy bay không người lái tấn công Achilles của Sư đoàn 92, cho biết: “Chúng ta đang thua trong cuộc chiến tranh điện tử”. Sĩ quan này cho biết dịch vụ kết nối liên lạc trở nên “siêu, siêu chậm” và bị vô hiệu hoá hoàn toàn “một ngày trước cuộc tấn công” của đối phương.


Một phi công lái máy bay không người lái biệt danh Kartel nói rằng các cuộc tấn công của drone bị cản trở khi không có kết nối với Starlink. Binh lính thậm chí phải sử dụng tin nhắn văn bản để gửi qua ứng dụng trò chuyện - vốn mất một thời gian nội dung mới có thể đến người nhận.


20231211 starlink sj 104p 4dbc51.jpeg
Starlink trở thành mục tiêu tấn công điện tử trên chiến trường Ukraine. Ảnh: ToI

Kari A. Bingen, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ, chuyên gia chiến tranh điện tử, cho biết Starlink và các liên lạc vệ tinh khác có thể bị gián đoạn do sử dụng tần số vô tuyến công suất cao để lấn át các liên kết kết nối. Những cuộc tấn công vô hình thường được thực hiện từ phương tiện có gắn tháp vô tuyến lớn ở phía trên.


Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine diễn ra tới nay, đây không phải lần đầu tiên Starlink ngừng hoạt động, song với mỗi sự vụ lại có cách giải thích khác nhau.


Một số chuyên gia cho biết Nga đã tiến bộ hơn trong việc can thiệp vào tín hiệu giữa các vệ tinh và thiết bị đầu cuối Starlink trên mặt đất bằng cách sử dụng các thiết bị gây nhiễu mạnh mẽ và chính xác.


Những người khác cho rằng dịch vụ đã bị gián đoạn do vũ khí điện tử chuyên dụng gắn trên máy bay không người lái, điều này có thể gây nhầm lẫn tín hiệu GPS của Starlink.


Bên cạnh đó, việc sử dụng kết nối Internet vệ tinh của SpaceX trên diện rộng cũng có thể làm giảm chất lượng dịch vụ. Một số trường hợp, việc hạn chế lực lượng Nga sử dụng Starlink cũng gây tổn hại đến hoạt động của binh lính Ukraine dọc chiến tuyến. Vào những thời điểm khác, sự gián đoạn có thể ngẫu nhiên hơn, chẳng hạn như vào đầu tháng này khi SpaceX báo cáo sự cố dịch vụ trên toàn thế giới do bão mặt trời.


Trong suốt cuộc xung đột, lực lượng Ukraine đã thử nhiều kỹ thuật khác nhau để bảo vệ Starlink khỏi các cuộc tấn công, bao gồm đặt các thiết bị đầu cuối vào các hố đào dưới đất và đặt lưới kim loại lên trên chúng. Infozahyst, một công ty Ukraine làm việc với quân đội và chuyên chế tạo các công cụ chiến tranh điện tử, cho biết họ không tin những giải pháp ứng biến như vậy sẽ hiệu quả.