Việt Nam thúc đẩy sáng tạo số, tăng trưởng xanh và bền vững

Việt Nam đang có những chuyển dịch quan trọng từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số, từ hạ tầng thông tin liên lạc sang hạ tầng nền kinh tế số và từ công nghệ thông tin sang công nghệ số.


Trong công văn gửi các đơn vị hưởng ứng ngày Ngày Viễn thông và Xã hội thông tin Thế giới – 17/5, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, với chủ đề kỷ niệm của năm 2024 là "Sáng tạo số vì mục tiêu phát triển bền vững", Liên minh Viễn thông thế giới (ITU) mong muốn các Quốc gia thành viên triển khai các hoạt động hưởng ứng, thúc đẩy việc đổi mới về công nghệ, đổi mới trong ứng dụng, thúc đẩy kết nối, chuyển đổi số.


Công nghệ viễn thông, công nghệ thông tin và truyền thông có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giúp giải quyết những thách thức cấp bách của thế giới như: chống biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách số, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững mà Liên hợp quốc cũng như các quốc gia thành viên đã đặt ra đến năm 2030.


Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đề nghị các cơ quan, đơn vị triển khai các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về vai trò của ICT, công nghệ số đối với chiến lược phát triển ngành.


Bên cạnh đó, các đơn vị hưởng ứng Ngày Viễn thông và Xã hội thông tin Thế giới bằng các hoạt động thiết thực trong năm 2024, đề xuất ý tưởng, sáng tạo số vì mục tiêu phát triển bền vững, phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm, câu chuyện thành công, thực tiễn tốt, giải pháp, ấn phẩm và chính sách để đẩy nhanh đổi mới kỹ thuật số; Gửi các thông tin này về Bộ TT&TT để làm thông tin tham khảo cho các cơ quan đơn vị và chọn lọc gửi cho ITU.


an ninh mang.jpg
Công nghệ viễn thông, công nghệ thông tin và truyền thông có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giúp giải quyết những thách thức cấp bách của thế giới như: chống biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách số. Ảnh: VNPT

Viễn thông bước vào cuộc đổi mới lần 2


Đầu thập niên 90, Việt Nam đã làm cuộc cách mạng chuyển từ analog sang digital, đưa Việt Nam từ nước viễn thông lạc hậu trở thành quốc gia đi đầu về kỹ thuật số. Thế nhưng, sau hơn 2 thập niên, câu chuyện đó đã khác, đòi hỏi viễn thông trước những thay đổi lớn. Các dịch vụ truyền thống liên tục sụt giảm, khách hàng đã chuyển sang sử dụng dịch vụ OTT. Một thống kê rất đáng báo động là nếu như trước đây các mạng di động tăng trưởng ở mức 2 con số thì những năm gần đây, con số này đã liên tục sụt giảm mạnh. Điều này đòi hỏi các nhà mạng phải tìm ra không gian tăng trưởng mới và cơ quan quản lý nhà nước cũng phải có những định hướng mới.


Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh năm 2024 sẽ là những chuyển dịch quan trọng: Từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số; từ hạ tầng thông tin liên lạc sang hạ tầng nền kinh tế số; từ công nghệ thông tin sang công nghệ số; từ ứng dụng CNTT sang công nghệ số; từ tự động hóa sang thông minh hoá, sang trí tuệ nhân tạo; từ xử lý thông tin hữu hạn sang xử lý dữ liệu số vô hạn để sinh ra giá trị mới; từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số; từ gia công, lắp ráp sang làm sản phẩm Make in VietNam; từ doanh nghiệp dịch vụ sang doanh nghiệp công nghiệp và công nghệ; từ doanh nghiệp khai thác sang doanh nghiệp nghiên cứu phát triển các ứng dụng số; từ thị trường trong nước là chính sang thị trường quốc tế là chính. Đây là xu hướng nhưng cũng là động lực cho các nhà mạng.


“Nếu nhìn từ toàn cầu cho thấy doanh thu đến từ các ứng dụng số chiếm đến trên 50% doanh thu viễn thông và góp phần tạo ra tăng trưởng cho nhà mạng khoảng 10%/năm. Đầu tư 5G mới tạo ra tăng trưởng 10%, nhưng tăng trưởng này không chỉ có 5G mà là hệ sinh thái 5G. Việc thúc đẩy các nhà mạng đi vào các ngành để sáng tạo ứng dụng số, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số cũng chính là quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho đất nước… Chuyển đổi số, ứng dụng số vào các ngành công nghiệp đó chính là con đường để tăng năng suất lao động” Bộ trưởng nói.


5g vinaphone.jpg
Bộ TT&TT đã trao giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất sử dụng công nghệ 5G cho VNPT. Ảnh: VNPT

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Bộ TT&TT đã trao giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất sử dụng công nghệ 5G cho các nhà mạng viễn thông.


Chia sẻ về vấn đề này, Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Thành Phúc cho biết: “Với việc đấu giá thành công quyền sử dụng tần số vô tuyến điện nêu trên, Bộ TT&TT đã chính thức cấp phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất sử dụng công nghệ 5G từ ngày 11/4/2024. Các doanh nghiệp sẽ nhanh chóng triển khai thương mại hoá 5G trên phạm vi toàn quốc trong năm 2024, hình thành một hạ tầng mới thúc đẩy phát triển kinh tế số - xã hội số - chính phủ số tại Việt Nam”.


Việt Nam sẽ đi đầu về 6G


Bộ TT&TT đã công bố Việt Nam sẽ triển khai 6G và là 1 trong 10 nước đầu tiên trên thế giới có Ban chỉ đạo 6G. Việt Nam phải đi cùng top đầu thế giới về công nghệ 6G. Hiện nay, mạng 6G vẫn đang được nghiên cứu, dự đoán sẽ được công bố ít nhất vào năm 2028 hoặc 2030.


Các nhà nghiên cứu cho rằng, mạng 5G đã được nhiều lĩnh vực tiềm năng như xe hơi tự vận hành, máy bay không người lái, thành phố thông minh sử dụng. Những công nghệ này còn có thể hoạt động tốt hơn nữa trong tương lai nếu có sự giúp sức từ 6G. Mạng 5G được phát triển nhằm mục đích xây dựng hệ sinh thái thông tin lấy người dùng làm trung tâm. Trong khi đó, mạng 6G sẽ được làm trọng tâm cho những công nghệ tiềm năng trong tương lai.


Đại diện Viettel cho hay, doanh nghiệp này đã bắt tay nghiên cứu sản xuất thiết bị 6G và tham gia các bằng sáng chế về 6G. Khác với Viettel, VNPT sẽ tập trung vào nghiên cứu hệ sinh thái 6G. Đại diện MobiFone cũng khẳng định đã tham gia các nhóm nghiên cứu về 6G.


Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết, hiện thế giới có 5 nhà sản xuất thiết bị 5G và nhiều cường quốc trên thế giới đang bắt tay nghiên cứu 6G. Việt Nam đặt ra mục tiêu đi cùng thế giới về 6G, cụ thể là cùng nghiên cứu, cùng sản xuất, cùng triển khai.


Thứ trưởng nhấn mạnh: “Việt Nam sẽ nghiên cứu, đóng góp vào tiêu chuẩn 6G của thế giới. Bộ TT&TT và các doanh nghiệp cùng tham gia nghiên cứu, thúc đẩy phát triển công nghệ này. Nhà nước sẽ đầu tư phòng lab cho các doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất thiết bị 6G. Cơ hội đến với tất cả các quốc gia, nhưng quốc gia nào nắm bắt được sẽ thành công. Hôm nay, chúng ta đặt những viên gạch này thì 10 năm nữa hy vọng mới thành công. Còn nếu không có ngày hôm nay thì 10 năm nữa chúng ta sẽ không có gì. Nếu chúng ta nghiên cứu và sản xuất được thiết bị 6G sẽ tạo ra ngành công nghiệp mới cho đất nước”.


ICT Việt Nam sẽ “xanh” và bền vững


Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA cho biết, toàn thế giới đang chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Chính phủ Việt Nam đã xác định chuyển đổi số, tăng trưởng xanh là 1 trong 2 yếu tố cốt lõi của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Đặc biệt, trong sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, Việt Nam là quốc gia được lựa chọn cho chiến lược phát triển sắp tới, với ưu thế lớn về nhân lực và địa chính trị.


Nhấn mạnh chuyển đổi số xanh là làn sóng tiếp theo có tác động trên quy mô toàn cầu và hướng tới phát triển bền vững, đại diện VINASA cho rằng: Đây là thị trường mới mà các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam cần nhận thức và chuyển dịch nhanh chóng để có thể bắt kịp. Mục tiêu đặt ra cho các doanh nghiệp công nghệ số là không chỉ chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp mình mà còn tư vấn chuyển đổi cho khách hàng, đối tác nhằm đáp ứng được nhu cầu, thị trường toàn cầu.


Chia sẻ về vấn đề xu hướng “xanh”, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nói rằng, khi FPT bàn ký hợp đồng với các dự án triệu USD thì các đối tác đều hỏi “các anh có xanh không”. Vì vậy, Chủ tịch FPT nhấn mạnh muốn có được các hợp đồng lớn thì yếu tố “xanh” là yếu tố sống còn trong tương lai.


idc viettel.jpg
Trung tâm dữ liệu tại Hòa Lạc của Viettel lớn gấp 2 lần trung tâm dữ liệu lớn nhất đang được khai thác tại Việt Nam. Ảnh: VT

Trong lĩnh vực viễn thông các nhà mạng đang chuyển hướng sang xây dựng hạ tầng số bằng cách phát triển các trung tâm dữ liệu “xanh” phục vụ cho nhu cầu phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Phát biểu tại lễ khai trương Trung tâm dữ liệu tại Hòa Lạc của Viettel ngày 10/4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, hạ tầng số Việt Nam thì phải dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn. Viettel cũng như các nhà phát triển hạ tầng Việt Nam phải có một tầm nhìn đúng về hạ tầng dữ liệu của quốc gia để biến Việt Nam thành một Digital Hub của thế giới.


Trung tâm dữ liệu tại Hòa Lạc của Viettel lớn gấp 2 lần trung tâm dữ liệu lớn nhất đang được khai thác tại Việt Nam. Sau khi Trung tâm dữ liệu Viettel Hòa Lạc ra mắt, nhiều người tập trung vào yếu tố “lớn nhất” hay “Trung tâm dữ liệu xanh đầu tiên”. Yếu tố xanh và bền vững của Trung tâm dữ liệu này còn là một bước tiến quan trọng đối với ngành công nghiệp trung tâm dữ liệu ở Việt Nam, trong bối cảnh quốc gia đặt ra các mục tiêu chuyển đổi số ở mọi ngành nghề, trở thành Digital Hub và Net Zero.


Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch Viettel khẳng định, Viettel sẽ không ngừng đầu tư cho các Trung tâm dữ liệu. Theo lộ trình, tới năm 2025, Viettel sẽ đầu tư thêm 10.000 tỷ đồng để mở rộng quy mô lên 17.000 rack. Tới năm 2030, Viettel sẽ nâng mức đầu tư lên 40.000 tỷ đồng với quy mô 34.000 rack. Cùng với đó, Viettel cũng đi đầu về các cam kết về chuyển đổi xanh và bền vững.









Viet Nam thuc day sang tao so, tang truong xanh va ben vung


Viet Nam dang co nhung chuyen dich quan trong tu ha tang vien thong sang ha tang so, tu ha tang thong tin lien lac sang ha tang nen kinh te so va tu cong nghe thong tin sang cong nghe so.

Việt Nam thúc đẩy sáng tạo số, tăng trưởng xanh và bền vững

Việt Nam đang có những chuyển dịch quan trọng từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số, từ hạ tầng thông tin liên lạc sang hạ tầng nền kinh tế số và từ công nghệ thông tin sang công nghệ số.
Việt Nam thúc đẩy sáng tạo số, tăng trưởng xanh và bền vững
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: