Ngành nông nghiệp còn nhiều dư địa để chuyển đổi số và số hóa

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, với tỷ trọng số hoá mới đạt 2,1%, ngành nông nghiệp còn nhiều dư địa, nhiều cơ hội để chuyển đổi số, để thay đổi.


VietNamNet giới thiệu toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại hội nghị chuyên đề chuyển đổi số, phát triển kinh tế số nông nghiệp "Thúc đẩy số hoá ngành nông nghiệp" diễn ra ngày 14/5/2024.

Phát triển kinh tế số (KTS) thì quan trọng nhất là phát triển KTS của các ngành. Ngành nông nghiệp hôm nay tổ chức Hội nghị chuyên đề toàn quốc về "Thúc đẩy số hoá ngành nông nghiệp" là nhằm chuyển đổi số (CĐS) và phát triển KTS ngành nông nghiệp. Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về CĐS thì năm 2024 này, mỗi bộ, ngành đều phải tổ chức hội nghị chuyên đề về CĐS và phát triển KTS ngành mình. Ngành nông nghiệp là một trong các ngành tiên phong tổ chức hội nghị chuyên đề CĐS.


Nguyễn Mạnh Hùng_Nongnghieptrongbai.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Việc đầu tiên cần làm để chuyển đổi số ngành nông nghiệp là xây dựng các cơ sở dữ liệu. Ảnh: Phạm Hải

Tỷ trọng nông nghiệp trong GDP của Việt Nam hiện nay là 11,9%, cao hơn mức trung bình của thế giới là 4,3%. Tăng trưởng nông nghiệp trung bình hàng năm là 3,5%, cũng cao hơn mức trung bình của châu Á và khu vực Đông Nam Á. Nhưng tỷ trọng số hoá trong nông nghiệp theo ước tính của Bộ TT&TT thì mới đạt 2,1%, tức là mức thấp so với thế giới. Đây là một tin vui, vì chúng ta có nhiều dư địa, nhiều cơ hội để làm, để thay đổi. Nhưng cũng là một lo lắng vì mục tiêu mà Chính phủ đặt ra cho ngành nông nghiệp trong Chiến lược quốc gia phát triển KTS và XHS là đến năm 2025, tức là chỉ còn gần 2 năm nữa, ngành nông nghiệp phải đạt tỷ trọng KTS là 10%.


Nghiên cứu quốc tế cho thấy, CĐS của ngành nông nghiệp sẽ cho phép lao động nông nghiệp giảm được tới 23% chi phí. Quản lý đất đai nông nghiệp bằng công nghệ số (CNS), nhất là GPS, giảm được chi phí tới 14%. Dùng CNS để bón phân tuỳ biến theo từng loại cây trồng thì tiết kiệm được tới 12%. Lái xe tự động trong nông nghiệp cũng giúp giảm tới 13% chi phí. Như vậy, CNS, CĐS, tự động hoá sẽ giúp ngành nông nghiệp giảm được rất nhiều chi phí. Chi phí cho CNS, CĐS sẽ nhỏ hơn rất nhiều so với phần chi phí tiết kiệm được.


Một phần mềm, một nền tảng số, để tại một chỗ, vận hành khai thác tại một chỗ là hàng triệu người dùng chung, hàng triệu người này lại có thể phân tán ở tất cả các xã, các thôn bản. CĐS là khó ở một nơi mà dễ ở những nơi còn lại. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

CĐS thì khó ở chỗ xây dựng hạ tầng dữ liệu và phát triển nền tảng số. Nhưng CĐS lại dễ ở chỗ dễ sử dụng và dễ phổ cập. Một phần mềm, một nền tảng số, để tại một chỗ, vận hành khai thác tại một chỗ là hàng triệu người dùng chung, hàng triệu người này lại có thể phân tán ở tất cả các xã, các thôn bản. Sử dụng nền tảng số thì dễ như là dùng Zalo, không khó như là dùng các phần mềm CNTT. Như vậy, CĐS là khó ở một nơi mà dễ ở những nơi còn lại.


Ngành nông nghiệp là ngành nhiều dữ liệu nhất nhưng lại là ngành thu thập được ít dữ liệu nhất và vì vậy cũng khó quản lý nhất. Không có dữ liệu thì không có CĐS. Không có dữ liệu thì cũng không có quản lý. Có dữ liệu thì CĐS lại thành việc dễ. Cho nên, việc đầu tiên cần làm để CĐS ngành nông nghiệp là xây dựng các CSDL. Và việc này thì Bộ Nông nghiệp phải là người chỉ đạo xây dựng. Dữ liệu của ngành nông nghiệp thì phải là việc của ngành nông nghiệp.


Nhưng dữ liệu để tạo ra các giá trị mới, tạo ra sự tăng trưởng KTS thì lại là các dữ liệu được sinh ra hàng ngày do sử dụng, thí dụ người dân mua bán nông sản hàng ngày, tình hình sâu bệnh, mưa nắng hàng ngày của từng thôn, xã. Cách thu thập dữ liệu ở đây là thông qua các nền tảng số. Một số nền tảng số nông nghiệp dùng chung cần tập trung phát triển và thúc đẩy sử dụng là: Nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, Nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản, Nền tảng sàn thương mại điện tử nông nghiệp, Nền tảng tối ưu hóa chuỗi cung ứng, v.v... Các nền tảng số dùng chung này thì Bộ Nông nghiệp nên chỉ đạo xây dựng. Các doanh nghiệp CNS Việt Nam hoàn toàn đủ năng lực để xây dựng các nền tảng số này.


Gốc của xoá nghèo nông dân là giá nông sản cao. Công nghệ cao thì tạo ra năng suất, chất lượng nhưng sản phẩm thì đại trà và vì vậy khó mà có giá cao. Nhưng mảnh đất, mảnh vườn, làng, xã, cây trồng, người nông dân thì có địa chỉ duy nhất và do vậy, có thương hiệu duy nhất. Thương hiệu thì tạo ra giá cao. Để có được thương hiệu đến từng hộ gia đình nông dân, từng cái cây thì phải truy xuất được nguồn gốc nông sản. CNS có thể giải được bài toán truy xuất nguồn gốc nông sản.


Chỉ còn 1 tháng nữa là Chương trình CĐS Việt Nam được 4 năm và bước sang năm thứ năm. Năm đầu tiên là khởi động. Năm thứ hai là tổng diễn tập thời Covid. Năm thứ ba là xây dựng các nền tảng số quốc gia. Năm thứ tư là phát triển dữ liệu số. Năm 2024 này là bắt đầu của năm thứ năm, chúng ta sẽ tập trung vào phát triển kinh tế số, với 4 trụ cột là Công nghiệp CNTT và truyền thông, Phát triển KTS các ngành, Quản trị số và Phát triển dữ liệu số.


4 năm qua đã cho chúng ta một số kinh nghiệm quý để định ra các cách làm CĐS hiệu quả.


Thứ nhất là làm thí điểm. Làm thí điểm trước, làm cho đến nơi, cho đến thành công rồi copy ra cả ngành. CĐS thì phải làm 100% toàn quốc mới hiệu quả, nhưng không thể đủ kinh nghiệm, nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực, để làm ngay cả ngành. Bởi vậy, Bộ Nông nghiệp tập trung vào làm thí điểm 1 xã, 1 huyện, 1 tỉnh, làm cho đến tận cùng, làm cho đến thành công, làm cho thuận tiện và dễ dùng, làm cho hiệu quả, làm trên nền tảng số, rồi từ đó nhân rộng, làm nhanh ra cả ngành nông nghiệp.


BotruongHungVNPT.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tham quan các gian hàng trưng bày tại hội nghị chuyên đề “Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp” chiều 14/5. Ảnh: Phạm Hải

Thứ hai là dùng nền tảng số. Thời CNTT thì tất cả các bộ, ngành và các địa phương đều làm phân tán, hầu như không có các hệ thống, nền tảng dùng chung toàn quốc. Vậy nên, các nơi cứ tự làm từ A đến Z. Nhưng thời CĐS thì xuất hiện các nền tảng số dùng chung toàn quốc, các nền tảng Trung ương. Bởi vậy mà phải làm rõ, cái gì là Trung ương, cái gì là địa phương. Bộ Nông nghiệp sẽ phải làm rõ và công bố cái gì là trung ương, cái gì là địa phương. Để cho địa phương yên tâm biết cái này là mình phải làm và được làm. Và Bộ Nông nghiệp thì làm cái Trung ương.


Thứ ba là hướng dẫn chi tiết. Cái gì mới, lại trừu tượng, lại công nghệ, lại chưa làm bao giờ (tức là đang còn lơ mơ) thì ban đầu rất cần hướng dẫn chi tiết, giống như cầm tay chỉ việc, nhất là những cái cơ bản. Bộ Nông nghiệp sẽ phải làm rõ những cái cơ bản nhất của CĐS nông nghiệp là gì và có hướng dẫn chi tiết cho các tỉnh: Cái gì, làm như thế nào, ai làm và bao giờ xong. Nếu chúng ta không khởi động CĐS bằng cách như thế này thì CĐS sẽ chỉ lỗ chỗ một vài nơi. Và một khi đã khởi động được những cái cơ bản nhất trên phạm vi toàn quốc thì các địa phương sẽ tự tin tự làm những cái tiếp theo.


Thứ tư là hợp tác với doanh nghiệp CNS Việt Nam. Việt Nam chúng ta có nhiều doanh nghiệp CNS xuất sắc, có đủ năng lực giúp ngành nông nghiệp CĐS thành công. Với Bộ Nông nghiệp thì CNS là khó khăn. Nhưng với doanh nghiệp CNS thì lại không khó. Nhưng doanh nghiệp CNS thì không biết phải làm gì để CĐS nông nghiệp, không có nghề nông nghiệp, không có dữ liệu nông nghiệp. Chỉ cần ngành nông nghiệp biết mình muốn gì, cung cấp dữ liệu nông nghiệp thì doanh nghiệp CNS sẽ giúp được ngành nông nghiệp CĐS. Cái gì ngành nông nghiệp khó đầu tư thì các doanh nghiệp CNS cũng có thể đầu tư để cung cấp lại cho ngành dưới dạng dịch vụ. Sự hợp tác ngành nông nghiệp và doanh nghiệp CNS là để mỗi bên cái gì dễ thì tập trung làm, cái gì khó thì không làm, để người kia làm.


Thứ năm là tìm ra các công thức thành công để nhân rộng. Bộ Nông nghiệp nên đưa ra các công thức thành công về CĐS cho các lĩnh vực, các cấp, để có thể truyền thông, nhân rộng. Những công thức thành công ngắn gọn, đúng bản chất, dễ hiểu, dễ làm theo, sẽ thực sự là một loại sức mạnh mang tính toàn dân. Thí dụ, Bộ Công an có công thức Đúng, Đủ, Sạch, Sống khi làm cơ sở dữ liệu dân cư; CĐS Việt Nam là Chính phủ số + Kinh tế số + Xã hội số; KTS Việt Nam là Công nghiệp CNTT và truyền thông + KTS các ngành + Quản trị số + Dữ liệu số; CĐS toàn dân là Đi từng ngõ, Gõ từng nhà, Rà từng đối tượng.