Chính phủ vừa ban hành Nghị định 48 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 130 năm 2018 quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.
Là Nghị định được Bộ TT&TT tham mưu trình Chính phủ ban hành theo hướng bám sát tinh thần của Luật Giao dịch điện tử năm 2023, góp phần tạo thuận lợi hơn nữa cho các cá nhân, tổ chức tham gia giao dịch trên môi trường điện tử, Nghị định 48 có hiệu lực thi hành từ ngày 9/5/2024.
Trao đổi với phóng viên VietNamNet, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia - NEAC thuộc Bộ TT&TT, đơn vị được giao soạn thảo Nghị định mới cho biết, so với Nghị định 130, điểm mới của Nghị định 48 là cho phép cá nhân, tổ chức có thể lựa chọn sử dụng thêm hình thức tài khoản định danh điện tử hoặc thẻ căn cước công dân có gắn chip khi thực hiện các thủ tục đề nghị cấp chứng thư số của thuê bao và đề nghị công nhận chữ ký số nước ngoài tại Việt Nam.
Cùng với đó, khi chọn sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên ứng dụng VNeID, căn cước công dân gắn chip để thực hiện thủ tục đề nghị cấp chứng thư số của thuê bao, người dân sẽ không phải nộp kèm theo các hồ sơ tài liệu bản giấy.
Cụ thể, quy định về hồ sơ cấp chứng thư số của thuê bao tại Điều 23 của Nghị định 130 đã được sửa đổi và bổ sung, với yêu cầu ngoài đơn đề nghị cấp chứng thư số dạng bản giấy hoặc điện tử theo mẫu của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng (CA công cộng), hồ sơ kèm theo cả cá nhân cần có một trong các loại tài liệu là thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước, hộ chiếu, tài khoản định danh điện tử mức độ 2.
Với tổ chức, tài liệu kèm theo gồm: Quyết định thành lập hoặc quyết định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức (hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hay giấy chứng nhận đầu tư) và Thẻ căn cước công dân (hoặc thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước, hộ chiếu) của người đại diện theo pháp luật của tổ chức; hoặc sử dụng tài khoản định danh điện tử của tổ chức.
Nghị định mới quy định rõ, cá nhân, tổ chức có quyền lựa chọn nộp bản sao từ sổ gốc, bản sao có chứng thực hoặc nộp bản sao trình kèm bản chính để đối chiếu hoặc cung cấp dữ liệu điện tử để tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng sử dụng, khai thác theo quy định tại khoản 4 của điều này.
Trường hợp cá nhân, người đại diện theo pháp luật của tổ chức cung cấp hoặc sử dụng thông tin trong thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước hoặc thông tin trong tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của cá nhân hay thông tin trong tài khoản định danh của tổ chức thì CA công cộng sẽ khai thác dữ liệu trong chip điện tử, dữ liệu của tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của cá nhân, tài khoản định danh điện tử của tổ chức và không yêu cầu cá nhân, người đại diện theo pháp luật của tổ chức nộp các tài liệu kèm theo.
Điều kiện cần để CA công cộng thực hiện được việc trên là CA đã có văn bản chấp thuận cho phép thực hiện kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử theo quy định pháp luật về định danh và xác thực điện tử hoặc có đầy đủ phương tiện đọc dữ liệu trong chip điện tử, dữ liệu trong tài khoản định danh điện tử mức độ 2.
Về chứng thư số, chữ ký số nước ngoài tại Việt Nam, Nghị định mới sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 của điều 46 về điều kiện cấp giấy phép sử dụng quy định tại Nghị định 130 năm 2018. Theo đó, thuê bao sử dụng chứng thư số nước ngoài tại Việt Nam phải có tài khoản định danh điện tử hoặc một số loại giấy tờ sau để xác thực thông tin trên chứng thư số: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư, quyết định thành lập...
Luật Giao dịch điện tử sửa đổi tạo “đường băng” để chuyển đổi số “cất cánh”
Đặt nhiều kỳ vọng vào việc Luật giao dịch điện tử sửa đổi được Quốc hội thông qua, các chuyên gia ví Luật này như một "đường băng" để chính phủ số, kinh tế số và xã hội số có thể cất cánh trong thời gian tới.
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng sáng 11/11 đã có giải trình làm rõ một số vấn đề ĐBQH quan tâm liên quan đến Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).