Quảng cáo số Việt Nam và câu chuyện cạnh tranh với Google, Facebook

Để cạnh tranh với Google, Facebook, các nền tảng quảng cáo số Việt Nam cần sở hữu tập người dùng chất lượng, từ đó thuyết phục các nhãn hàng chi tiền nhiều hơn cho nền tảng của mình.


Tỷ lệ người dùng Internet mua sắm hàng hóa trực tuyến hằng tuần ở Việt Nam là trên 60%, cao hơn mức trung bình toàn cầu (57,6%). Thế nhưng, thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam chủ yếu nằm trong tay các nền tảng ngoại. Đây là “bài toán” nan giải mà các doanh nghiệp quảng cáo số Việt Nam cần tìm ra câu trả lời.


Bài 1: Khi doanh nghiệp lớn vô tình tiếp tay cho web lậu


"Big Tech" đang chi phối ngành quảng cáo trực tuyến Việt Nam


Tuy được đánh giá là có tốc độ tăng trưởng nhanh (khoảng 12,7% mỗi năm) nhưng thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam - “mảnh đất” được xem là màu mỡ nhất ngành quảng cáo - lại chủ yếu nằm trong tay các nền tảng ngoại.


Chia sẻ với VietNamNet, một chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam cho biết các mạng quảng cáo nước ngoài đang chiếm khoảng 70%, thậm chí 75% thị phần quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam.


Quảng cáo số Việt Nam và câu chuyện cạnh tranh với Google, Facebook
Các nền tảng nước ngoài hiện đang chiếm phần lớn thị phần quảng cáo số tại Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt

Đồng quan điểm, quản lý một mạng quảng cáo lớn tại Việt Nam cũng cho rằng các mạng quảng cáo xuyên biên giới đang chiếm thị phần đa số tại Việt Nam. Bi quan hơn, chuyên gia này cho rằng tỷ lệ 70% là trên lý thuyết bởi số liệu thực tế có thể lên tới 90% thị phần.


Theo vị quản lý này, nguyên nhân là bởi các mạng quảng cáo nước ngoài như Facebook, Google, TikTok... đang nắm ưu thế tuyệt đối về công nghệ.


Những nền tảng ngoại sở hữu công nghệ và có đông người dùng gắn bó mật thiết. Nổi bật nhất là YouTube của Google. Các doanh nghiệp trong nước chủ yếu nắm các kênh “publisher” truyền thống như báo chí, tạp chí, trang tin điện tử. Trong khi đó, lượng traffic của những kênh này không nhiều”, vị này cho biết.


Các mạng quảng cáo Việt liệu có thể thay thế Facebook, Google?


Theo các chuyên gia, đứng ở góc độ thị trường hiện nay, rất khó để các Ad Network (Advertising Network, mạng quảng cáo) trong nước có thể thay thế vai trò của các nền tảng ngoại như Facebook, Google, ngay cả khi vị trí của họ bị bỏ trống.


Chia sẻ với VietNamNet, một chuyên gia trong ngành quảng cáo cho rằng các Ad Network Việt Nam hiện "không có cửa" để thay thế các nền tảng nước ngoài.


Phân tích thêm, vị này cho biết tại các thị trường phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ..., các mạng quảng cáo xuyên biên giới như Google, Facebook đều chiếm thị phần chính, bỏ xa các doanh nghiệp bản địa. Do vậy, việc thay thế các nền tảng quảng cáo trực tuyến ngoại gần như là việc không thể.


Quảng cáo số Việt Nam và câu chuyện cạnh tranh với Google, Facebook
Mạng quảng cáo Việt Nam đa phần nắm giữ các kênh phân phối nội dung trong nước như báo, tạp chí, trang tin. Ảnh: Trọng Đạt

Theo vị chuyên gia này, việc các mạng quảng cáo nước ngoài chiếm đa số thị phần quảng cáo trực tuyến trong nước không hẳn là một vấn đề. Đây chỉ thực sự là vấn đề khi các doanh nghiệp Việt Nam không biết tận dụng Facebook, Google để cạnh tranh với quốc tế.


Chúng ta bắt buộc phải hội nhập và cạnh tranh. Nền tảng quảng cáo chỉ là một loại công cụ. Các doanh nghiệp trong nước có thể sử dụng công cụ quốc tế trên chính sân nhà của mình, miễn là biết sử dụng và giá cả hợp lý, đem lại hiệu quả. Từ đó, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ mạnh lên và thúc đẩy nền kinh tế phát triển”, vị chuyên gia này chia sẻ.


Đóng góp thêm góc nhìn, quản lý một mạng quảng cáo lớn tại Việt Nam cho rằng các đơn vị xuất bản điện tử chính của Việt Nam là các tờ báo, trang tin chứ không phải doanh nghiệp công nghệ nắm trong tay nền tảng. Do đó, các doanh nghiệp trong nước rất khó cạnh tranh bởi thua kém về mặt công nghệ khi so với các mạng quảng cáo nước ngoài.


Điều này chỉ có thể giải quyết bằng cách thúc đẩy sự phát triển của các nền tảng số Việt Nam, duy trì lượng người dùng thường xuyên để từ đó có một "lãnh địa" riêng về quảng cáo, như trường hợp của Zalo là một ví dụ.


Ở một chiều hướng khác, các mạng quảng cáo trong nước cần phấn đấu tạo ra một nền tảng số với tập người dùng chất lượng, từ đó thu hút được sự quan tâm của các nhãn hàng. Chỉ khi các nền tảng trong nước sở hữu tập người dùng chất lượng, họ mới có thể khiến các nhãn hàng chi tiền nhiều hơn cho nền tảng của mình.


Bài 3: Nguy cơ quảng cáo bẩn từ dịch vụ kích view, câu like Facebook, TikTok