Ngay sau khi nắm quyền điều hành Ferrari, Benedetto Vigna đã nhanh chóng nhận ra nhà sản xuất ô tô hạng sang mang tính biểu tượng nhất nhì thế giới này đang đi quá chậm, phần vì rất nhiều các giai tầng dư thừa bên trong tổ chức. Giải pháp hữu hiệu duy nhất là làm cho Ferrari tinh gọn hơn và nhanh hơn.
Kể từ ngày đầu tiên CEO Benedetto Vigna nhậm chức vào năm 2021, giá cổ phiếu Ferrari đã tăng gần gấp đôi. Công ty vượt trội so với các nhà sản xuất ô tô lớn, hiện có giá trị hơn cả Ford Motor hay General Motors.
“Đó là một công ty xa xỉ”, CEO Benedetto Vigna nói. “Trái ngược với các công ty xa xỉ khác, công nghệ đóng một vai trò quan trọng với chúng tôi”.
Năm ngoái, Ferrari bán được tổng cộng 13.663 xe. Không phải ai cũng đủ khả năng chúng, vậy nên, hiếm thấy một mẫu Ferrari nào đó trên đường. Riêng ông Vigna, vì là CEO của hãng, nên được ưu ái lái một chiếc Purosangue - mẫu xe 4 cửa đầu tiên.
Trước khi dấn thân vào lĩnh vực xe hơi, Vigna là một tay chơi chip. Tại Đại học Pisa, ông nghiên cứu vật lý, sau đó đảm nhận vai trò kỹ sư nghiên cứu và phát triển tại STMicroelectronics, công ty bán dẫn Pháp-Ý. Trong suốt 25 năm, người đàn ông này đã nộp đơn xin hàng trăm bằng sáng chế, đồng thời leo lên vị trí chủ tịch bộ phận.
Khi ô tô ngày càng chú trọng mã lực và sức mạnh tính toán, Vigna, 55 tuổi, dường như là một sự lựa chọn thích hợp. Là giám đốc điều hành công nghệ, ông hiểu rõ động lực nào đang giúp định hình ngành công nghiệp ô tô.
Công việc đầu tiên trên cương vị CEO là phỏng vấn càng nhiều nhân viên Ferrari càng tốt. Sau mỗi cuộc nói chuyện, ông nhận ra một khoảng cách quá lớn giữa CEO và những người còn lại trong công ty. Có tới 9 cấp độ nhân viên trong một cuộc họp về an ninh mạng nhưng chỉ người cấp thấp nhất mới có điều hữu ích để trình bày.
Hệ thống phân cấp cồng kềnh khiến Vigna bất ngờ. Vị CEO này ngay lập tức tái cơ cấu, với mục đích sau cùng là đưa Ferrari phát triển với tốc độ phù hợp với ý muốn của ông. Nhiều nhân viên chưa từng được ngồi thử lên chiếc Ferrari và Benedetto Vigna đã giúp họ thực hiện ước mơ này.
Một người phụ nữ sau khi được tự mình trải nghiệm cảm giác lái xe hạng sang đã đến gặp ông Vigna và rớt nước mắt. Cô tâm sự mình đã gắn bó với bảng điều khiển của Ferrari trong nhiều thập kỷ nhưng cho đến tận bây giờ, sau khi được lái thử sản phẩm của công ty, bản thân mới thực sự hiểu công việc.
“Khi bạn thay đổi văn hóa của một công ty, đó không bao giờ là một cuộc cách mạng. Đó là một sự tiến hóa”, Vigna nói và nhấn mạnh tầm quan trọng của những nhân viên đảm nhận công việc lái thử Ferrari.
“Đó là những khách hàng đầu tiên của chúng tôi. Phản hồi của họ giúp những chiếc xe hoạt động hiệu quả hơn, giàu cảm xúc hơn, như người Ý thường nói. Họ muốn Ferrari nhanh. Họ cũng muốn Ferrari vui vẻ”, vị CEO nói và tin rằng việc vận hành các đội nhỏ, tinh gọn sẽ giúp hãng tăng trưởng tốt.
“Mọi người sẽ cống hiến hết mình nếu họ cảm thấy mình quan trọng. Bạn càng có nhiều người trong nhóm, vai trò của họ càng bị trùng lặp”.
Sau khi tái tổ chức lại công ty, Ferrari tuyển dụng nhiều người hơn. Ông Vigna cho rằng thương hiệu nên phát triển theo chiều ngang thay vì theo cấp bậc.
Ferrari đang phát triển từ động cơ đốt trong truyền thống. Năm ngoái, xe hybrid chiếm gần một nửa doanh số bán hàng. Chiếc Ferrari chạy điện đầu tiên đang được lên kế hoạch trình diện. Theo kế hoạch, khoảng 3/5 số xe mới của hãng vào năm 2026 sẽ là xe hybrid hoặc ô tô điện. CEO Vigna tin tưởng thị trường động cơ đốt trong cho xe xăng như Ferrari sẽ vẫn còn đất diễn.
“Tôi tin rằng động cơ đốt trong vẫn còn nhiều đất diễn”, CEO Vigna tuyên bố và cho biết sản phẩm xe xăng vẫn sẽ chiếm phần lớn doanh số của Ferrari từ nay đến năm 2026.
Có nhiều cách để nói về sự thành công của Ferrari, từ giá cổ phiếu đến các cuộc đua Công thức 1. Tuy nhiên, với ông Vigna, ông đã trích dẫn một thước đo rất đặc biệt.
“Chúng tôi cần chuyển đổi để đảm bảo khách hàng luôn là những người hâm mộ trung thành. Càng nhiều khách hàng là người hâm mộ, chúng tôi càng thành công”.
Được biết, Ferrari xây dựng thương hiệu dựa trên sự khan hiếm. Bản thân các chủ sở hữu xe cũng dựa vào lượng sản xuất hạn chế để duy trì giá trị tài sản, vậy nên, hãng dự kiến sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất.
“Khách hàng đang mang lại giá trị cho những chiếc xe của chúng tôi chính vì chúng độc đáo và độc quyền. Nếu thúc đẩy sản xuất, chúng tôi có thể kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng điều đó chẳng có ý nghĩa gì”, ông Vigna nói.
Nguồn cung xe hạn chế, song công ty vẫn tiếp tục mở rộng phạm vi tiếp cận những khách hàng mới, trẻ hơn. Việc mua một chiếc Ferrari không bao giờ là dễ dàng bởi đây là chiếc xe đầy khát vọng.
“Sở hữu một chiếc Ferrari là một dạng trải nghiệm. Trải nghiệm này thậm chí đã bắt đầu ngay từ lần đầu tiên bạn nhìn thấy một chiếc Ferrari ngoài đời. Đó không phải là thứ có thể dễ dàng có được”, ông nói.
Theo: WSJ, Fortune
Lấy link