Theo đó, các quan chức của Cục Công nghiệp và An ninh (B.I.S.) – cơ quan chịu trách nhiệm giám sát các quy định xuất khẩu của Mỹ – được cho là có "quan hệ gần gũi" với ngành công nghiệp bán dẫn, vì trước đây từng làm giám đốc điều hành hoặc cố vấn pháp lý cho các công ty tư nhân trong ngành này.
Các nguồn tin này cho biết, những năm gần đây, một số nhân viên của B.I.S. đã thông báo "không thích hợp" cho các công ty Mỹ về các lệnh trừng phạt tiềm tàng.
Thông tin này sau đó đã bị rò rỉ và chuyển đến các khách hàng Trung Quốc, tạo cơ hội cho họ tích trữ các thiết bị bán dẫn quan trọng trước khi các lệnh hạn chế được áp dụng.
Tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" tại Mỹ liên quan đến việc hạn chế xuất khẩu công nghệ tiên tiến cho Trung Quốc không phải là vấn đề mới.
Đầu năm nay, khi chính quyền Biden xem xét việc cấm bán thiết bị sản xuất vi mạch cho ba công ty Trung Quốc, những doanh nghiệp bán dẫn của Mỹ như Applied Materials, KLA Corporation và Lam Research đã lên tiếng yêu cầu cách tiếp cận khác, nhấn mạnh rằng, ba công ty này là nguồn thu lớn của họ.
Các công ty Mỹ trong ngành thiết bị bán dẫn lập luận rằng, họ không phản đối các quy định chặt chẽ hơn, miễn là các quy định này cũng được áp dụng với các đối thủ quốc tế.
Lý do chính của họ là ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ là ngành duy nhất phải đối mặt với các hạn chế, trong khi các công ty ở Nhật Bản và Hà Lan lại có thể tiếp tục cung cấp công nghệ cho Trung Quốc.
Điều này không chỉ làm tổn hại các công ty Mỹ mà còn không thể kiềm chế được sự phát triển công nghệ của Bắc Kinh.
Trong năm nay, các công ty này đã tăng cường vận động hành lang tại Quốc hội và Nhà Trắng. Dữ liệu từ OpenSecrets, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên theo dõi chi tiêu cho vận động hành lang cho thấy, chi tiêu của Applied Materials, KLA và Lam Research đã tăng gấp đôi kể từ năm 2020, khi Mỹ thắt chặt các quy định về xuất khẩu công nghệ.
Applied Materials và KLA từ chối bình luận về vấn đề này. Trong khi đó, Lam Research tuyên bố, họ "tuân thủ chặt chẽ các quy định xuất khẩu của Mỹ" và cam kết tham gia "vào các cuộc đối thoại mang tính xây dựng với các nhà hoạch định chính sách về các vấn đề thương mại có lợi cho ngành công nghiệp bán dẫn, an ninh quốc gia và nền kinh tế sáng tạo của Mỹ".
Cuộc tranh luận về cách kiểm soát công nghệ cho thấy, khó khăn mà Mỹ đang phải đối mặt trong việc đối phó với Trung Quốc – một đối thủ quân sự nhưng cũng là đối tác thương mại quan trọng.
Nhiều quan chức Mỹ cho rằng, ngành công nghiệp chip cần được điều chỉnh chặt chẽ, nhưng cũng cần phải được nuôi dưỡng, vì nếu không có các công ty bán dẫn tiên tiến của Mỹ, chính phủ sẽ không có khả năng đàm phán với Trung Quốc một cách hiệu quả.
Mối quan hệ giữa các công ty Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ trở thành một nguồn căng thẳng lớn hơn dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump, người đã cam kết sẽ có hành động mạnh mẽ đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Mới đây, các hạn chế xuất khẩu bổ sung đã được áp dụng trên phạm vi toàn cầu. Các quy định mới cũng đưa thêm 140 công ty Trung Quốc vào "danh sách thực thể", yêu cầu giấy phép đặc biệt mới được xuất khẩu công nghệ nhất định cho những công ty này.
Tuy nhiên, theo báo cáo nghiên cứu thị trường thương mại do New York Times thu thập, ba công ty Trung Quốc vừa được đưa vào danh sách đen, bao gồm Swaysure, PST và Si’En Qingdao, đã kịp hoàn thành việc xây dựng hàng chục nhà máy sản xuất chíp tại Trung Quốc và có thể đã lắp đặt thiết bị bán dẫn vào đó trước khi các quy định hạn chế được thực thi.