Quốc gia chúng ta đang bàn đến chính là Ả Rập Xê Út - một trong 5 thành viên sáng lập của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC, thành lập năm 1960).
Giới chuyên gia đánh giá, Ả Rập Xê Út, vốn nổi tiếng với trữ lượng dầu mỏ khổng lồ nhờ vị trí đắc địa dọc Vịnh Ba Tư, đang trải qua một cuộc chuyển đổi kinh tế đáng kể.
Biết rằng, dầu mỏ là bệ phóng đưa nền kinh tế của nước này phát triển bùng nổ trong nhiều thập kỷ nhưng cách tiếp cận này không còn phù hợp nữa khi xét đến nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng bền vững với môi trường; cũng như nhu cầu ổn định kinh tế trong bối cảnh giá dầu thế giới biến động liên tục, Oilprice bình luận ngày 5/12/2024.
Đã đến lúc Ả Rập Xê Út phải nghĩ khác và làm khác. Sự xuất hiện của Tầm nhìn 2030 nổi lên như một chiến lược then chốt để đa dạng hóa một nền kinh tế phi dầu mỏ (Non-oil Economy) tại quốc gia từng là một trong những 'gã khổng lồ sản xuất dầu mỏ' của thế kỷ 20.
Tập trung mũi nhọn vào 'kho báu' 2.500 tỷ USD
Có thể nói, với Tầm nhìn 2030, Ả Rập Xê Út đang thực hiện một nửa kế hoạch chuyển đổi kinh tế nhằm đa dạng hóa các nguồn thu nhập ngoài hydrocarbon và phát triển các lĩnh vực như du lịch, công nghiệp, xây dựng, vận tải cùng nhiều lĩnh vực khác để thúc đẩy GDP phi dầu mỏ, Reuters cho biết.
Riêng lĩnh vực khai khoáng, quốc gia này đang tập trung nguồn lực rất mạnh nhằm biến nó trở thành ngành kinh tế chính của Ả Rập Xê Út.
Cách đây 8 năm, Ả Rập Xê Út đưa ra những ước tính ban đầu về giá trị nguồn tài nguyên khoáng sản - chưa được khai thác - là 1.300 tỷ USD, vào 2016. Năm 2024, con số tăng gần gấp đôi, lên đến 2.500 tỷ USD.
Theo báo cáo của Reuters, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Tài nguyên Khoáng sản Ả Rập Xê Út, ông Bandar Alkhorayef, tuyên bố rằng tiềm năng dự trữ khoáng sản của Vương quốc đã tăng gần 90%.
Sự gia tăng 1.200 tỷ USD đến từ việc nước này phát hiện thêm các khối lượng khoáng sản dự trữ cao hơn, bổ sung các khoáng sản mới như đất hiếm vào danh sách các nguồn tài nguyên chiến lược.
Kinh ngạc hơn nữa, tiềm năng khoáng sản trị giá 2.500 tỷ USD mới chỉ là con số dựa trên 30% hoạt động thăm dò tại Arabian-Nubian Shield (vùng đất được mệnh danh là "chén thánh" của ngành khai khoáng - thông tin cụ thể ở phần dưới), cho thấy nước này vẫn còn một kho báu khổng lồ chưa được khám phá, định giá.
Nhiều thông tin cho rằng, Ả Rập Xê Út đang nắm giữ một lượng lớn khoáng sản cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu, chẳng hạn như nhôm, đồng và các nguyên tố đất hiếm.
Quốc gia Trung Đông này đã làm những gì?
Để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế phi dầu mỏ này, Ả Rập Xê Út đã thực hiện hàng loạt các nước cờ đáng chú ý như: Mở các giấy phép thăm dò khai thác mới và thiết lập quan hệ đối tác nước ngoài.
Cuối tháng 9/2024, Bộ trưởng Bandar Alkhorayef đã đến thăm Mỹ nhằm thảo luận về việc chuyển giao kiến thức, đổi mới, công nghệ sản xuất tiên tiến trong các lĩnh vực công nghiệp chiến lược tại Vương quốc này; đặc biệt để tìm hiểu các giải pháp thông minh mới nhất được sử dụng trong hoạt động khai khoáng.
Tất nhiên, Ả Rập Xê Út cũng đang đầu tư mạnh vào thăm dò và khảo sát địa chất, sử dụng công nghệ tiên tiến và chuyên môn toàn cầu để phát hiện ra các mỏ khoáng sản mới.
Theo Arab News, Báo cáo Rủi ro Thế giới 2023 do công ty tư vấn MineHutte (Anh) chỉ ra rằng ngành khai khoáng của Ả Rập Xê Út là một trong những môi trường đầu tư và quản lý phát triển nhanh nhất thế giới trong 5 năm qua. Chưa kể, sau khi Luật Đầu tư Khai khoáng mới được nước này thông qua vào năm 2021, số lượng giấy phép khai thác được cấp đã tăng 138%.
Giới chuyên gia nhận định, bằng cách tập trung cho ngành khai khoáng, Ả Rập Xê Út không chỉ tìm cách đảm bảo chỗ đứng trong các chuỗi cung ứng tài nguyên quan trọng này mà còn hướng đến mục tiêu định vị mình là trung tâm toàn cầu về khoáng sản quan trọng đối với quá trình chuyển đổi năng lượng trên toàn thế giới.
Arabian-Nubian Shield - Vựa khoáng sản khổng lồ của Trung Đông
Khiên Ả Rập-Nubian được định vị là địa điểm khai thác khoáng sản lớn của Trung Đông, liên quan đến các nền kinh tế của Ai Cập, Ethiopia, Ả Rập Xê Út và Sudan.
Trải dài 3.500 km từ Bắc-Nam; với điểm rộng nhất là 1.500 km theo hướng Đông-Tây; cùng diện tích gần 3 triệu km2 nằm dọc theo sườn đông bắc của Biển Đỏ, Khiên Ả Rập-Nubian (có hình thang) tạo nên một trong những khối đá kết tinh thời Tiền kỷ Cambri lớn nhất thế giới. Nó bao phủ một khu vực rộng lớn ở Ả Rập Xê Út và một số vùng của Yemen, Ai Cập, Sudan, Eritrea, Ethiopia và Kenya.
Nhờ hoạt động địa chất phong phú trong suốt hàng trăm triệu năm đến hàng tỷ năm qua mà vùng đất 'trời ban' này đang nắm giữ các mỏ khoáng sản vô cùng dồi dào được coi là "có ý nghĩa chiến lược" cho công cuộc chuyển đồi năng lượng trên toàn cầu thời hiện đại.
Các khoáng sản chiến lược có mặt tại đây bao gồm cromit, coban, đồng, vàng, mangan, niken, niobi, tantalum và uranium.
Ba trong số này có vai trò cực kỳ quan trọng trong thế giới hiện đại: Cromit rất quan trọng đối với các siêu hợp kim tạo thành cơ sở của động cơ tua-bin phản lực. Tantalum rất quan trọng đối với thiết bị điện tử gia dụng và niobi được sử dụng để tăng cường hợp kim được chỉ định cho tên lửa và tên lửa đạn đạo.
Với tiềm năng khai khoáng tại Khiên Ả Rập-Nubian cực lớn, các nhà hoạch định chính sách của Ả Rập Xê Út đang tìm cách tăng gấp 4 lần đóng góp GDP của ngành khai khoáng vào năm 2030, từ 17 tỷ đô la Mỹ lên 64 tỷ đô la Mỹ.
Tham khảo: Oilprice, Reuters, Infomineo, Marsh
Lấy link