Giáo sư Valery Feigin, Giám đốc Viện nghiên cứu Đột quỵ và Khoa học thần kinh ứng dụng quốc gia, Đại học Công nghệ Auckland (New Zealand) nhận định, gánh nặng đột quỵ ở Việt Nam, đặc biệt là người trẻ tuổi đang tăng nhanh. Nguyên nhân chính là huyết áp cao, lối sống không lành mạnh, đặc biệt thói quen hút thuốc, thiếu hoạt động thể chất, chế độ ăn uống không lành mạnh như sử dụng quá nhiều rượu bia và một số nguyên nhân khác từ rối loạn nhịp tim.
Để kiểm soát những vấn đề này, người trẻ cần nhận thức được nguy cơ đột quỵ và những yếu tố rủi ro cần đặc biệt kiểm soát. "Tuy nhiên, đáng tiếc là hầu hết mọi người không nhận thức được nguy cơ của bệnh", ông nói và cho hay các yếu tố rủi ro đột quỵ ở mỗi người trẻ tuổi lại khác nhau.
Theo giáo sư Valery Feigin, thách thức lớn nhất hiện nay là đột quỵ đang gia tăng và vẫn chưa có chiến lược hiệu quả nào để phòng ngừa. Do đó, trong lần đến Việt Nam này, ông sẽ tham gia hỗ trợ cho các đơn vị nghiên cứu y tế, Bộ Y tế xây dựng các chiến lược phòng ngừa đột quỵ nguyên phát và thứ phát dựa trên các công cụ kỹ thuật số mà ông cùng cộng sự đã phát triển tại New Zealand.
Có bằng chứng thuyết phục cho thấy giải pháp này có thể giảm 50% các trường hợp đột quỵ ở Việt Nam và các quốc gia khác. Giải pháp đã được Tổ chức Đột quỵ Thế giới hỗ trợ.
Ông cho biết thêm, các chương trình phòng ngừa hiện có tại Việt Nam không khác biệt nhiều so với các chương trình ở các quốc gia có thu nhập thấp đến trung bình khác. Do đó, ông sẽ cung cấp một chiến lược mới mang tính cách mạng để phòng ngừa đột quỵ và bệnh tim mạch thông qua các công cụ kỹ thuật số, vốn đã được chứng minh là có hiệu quả ở một số quốc gia khác.
Những công cụ mà ông đưa ra cần được sử dụng kết hợp với các chiến lược phòng ngừa khác, chẳng hạn như thuốc polypill để giảm huyết áp và kiểm soát lipid máu như cholesterol. Khi kết hợp với các giải pháp này, các công cụ kỹ thuật số đặc biệt hiệu quả và được ghi nhận kết quả khả quan trong thực tế.
Người trẻ có thể quan tâm đến 2 công cụ kỹ thuật số trong ngăn ngừa và chẩn đoán đột quỵ. Một là công cụ dành cho người bình thường: Stroke Riskometer - ứng dụng miễn phí, được dịch sang 25 ngôn ngữ và được sử dụng tại hơn 100 quốc gia. Công cụ còn lại là Prevents MD Web App, được thiết kế cho các bác sĩ lâm sàng như bác sĩ, y tá và chuyên gia y tế giúp họ xây dựng các khuyến nghị phòng ngừa theo nhu cầu cá nhân, tập trung vào bệnh nhân, tập trung vào các yếu tố rủi ro trong lối sống của bệnh nhân.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh thêm, nhận thức về đột quỵ và các yếu tố nguy cơ là bước đầu tiên. Mọi người cần biết rằng nguy cơ đột quỵ là có thật. Nó có thể xảy ra với bất kỳ ai. Biết được nguy cơ của mình là bước đầu tiên, biết được các yếu tố nguy cơ mà mình có thể gặp phải là bước thứ hai và biết cách kiểm soát các yếu tố nguy cơ, đó là bước thứ ba.
Theo Web of Science, kể từ năm 2018, giáo sư Valery Feigin liên tục được chọn vào nhóm 1% nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới trong mọi lĩnh vực khoa học. Giáo sư Feigin là đồng chủ tịch Ủy ban Chính sách Toàn cầu của Tổ chức Đột quỵ Thế giới và là thành viên của Nhóm tư vấn kỹ thuật cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO TAG) về Nghiên cứu và Đổi mới liên quan đến các bệnh không lây nhiễm (NCD).
Trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ và Lễ trao giải VinFuture 2024, ông là diễn giả của phiên tọa đàm “Những đổi mới trong Chăm sóc sức khỏe tim mạch và Điều trị đột quỵ" - một trong chuỗi bốn tọa đàm khoa học nằm trong Tuần lễ trao giải VinFuture mùa 4.
Lấy link