Một nghịch lý của tâm lý: Tại sao chúng ta thích nghe nhạc buồn, ngay cả khi không buồn?

Nghiên cứu cho thấy 82% tình nguyện viên sẽ không còn thích các bài nhạc buồn, nếu chúng được "remix" cho sôi động và vui vẻ.


Đã có hơn 62 triệu lượt xem MV "Ngày mai người ta lấy chồng" của Thành Đạt trên Youtube. Hơn 157 triệu lượt xem "Em gái mưa" của Hương Tràm. Cộng hai con số đó lại chúng ta sẽ được 217 triệu lượt nghe "Hoa nở không màu" của Hoài Lâm.


Điểm chung của tất cả những MV "triệu view" này là chúng rất buồn, nếu không muốn nói là buồn thê thảm.


Một nghịch lý của tâm lý: Tại sao chúng ta thích nghe nhạc buồn, ngay cả khi không buồn?- Ảnh 1.

Bản live "Hôm nay em cưới rồi" của Khải Đăng đã được "replay" 176 triệu lần trên Youtube. Đó là chưa kể 9,5 triệu lượt xem MV gốc của anh, 32 triệu lượt nghe phiên bản "Lofi" và 1,4 triệu lượt nghe phiên bản "Audio only" .


Còn đây là một thống kê nhỏ nữa từ kênh Youtube của Mr. Siro, người có lẽ đang kiếm được nhiều tiền nhất từ việc buồn:


Trong số 232 video anh đăng tải trong 11 năm qua, chỉ có đúng duy nhất 1 MV vui vẻ, đó là bài "I Belong To You Bae", nhận về 1,9triệu lượt xem – tương đương 0,2% tổng lượt xem trên kênh của Mr. Siro.


Hơn 806 triệu lượt xem khác, tương đương 99,8%, đến từ 231 video còn lại - tất cả đều buồn. Tính ra, trung bình cứ 17 ngày thì Youtube sẽ có thêm một video nhạc buồn của Mr. Siro. Hiện có hơn 2,15 triệu người đang đăng ký kênh của anh.


Rõ ràng, nhạc buồn có một sức hút không thể cưỡng nổi. Nhưng tại sao mọi người lại thích nghe nhạc buồn đến thế?


Một nghịch lý của tâm lý: Tại sao chúng ta thích nghe nhạc buồn, ngay cả khi không buồn?- Ảnh 2.

Kênh Youtube của Mr. Siro, nhạc sĩ được biết đến biệt danh "Thánh Sầu", nổi tiếng với những bản nhạc từ buồn đến siêu buồn.


Cơ thế sinh học của những giai điệu buồn

Các nhà khoa học cho biết khi chúng ta trải qua nỗi buồn trong đời thực, cơ thể sẽ giải phóng một số hormone như prolactin và oxytocin để giúp chúng ta đối phó với nỗi đau. Những hormone này có tác dụng xoa dịu, khiến chúng ta thấy bình tĩnh và được an ủi.


Nghiên cứu cho thấy khi chúng ta nhìn thấy người khác gặp đau khổ, và đồng cảm với nỗi đau của họ, các hormone như prolactin và oxytocin cũng được tiết ra trong não bộ của chính chúng ta.


Điều này cũng đúng khi chúng ta nhấp vào một bài hát buồn trên Youtube. Cú nhấp chuột của bạn giống như bật một chiếc công tắc để tiết ra các loại "morphine" tự thân trong não bộ.


Chả thế mà nhiều người thích, thậm chí nghiện nhạc buồn.



Một nghịch lý của tâm lý: Tại sao chúng ta thích nghe nhạc buồn, ngay cả khi không buồn?- Ảnh 3.

Có 62% người trầm cảm thích nghe nhạc buồn, so với 24% trong nhóm không trầm cảm.



Một nghiên cứu trên tạp chí Emotion năm 2020 cho thấy bệnh nhân trầm cảm – những người thường xuyên bị một nỗi buồn dai dẳng đeo bám - thích nghe nhạc buồn hơn hẳn nhạc vui và các bài hát trung tính.


Trong các bảng khảo sát, họ nói rằng nghe nhạc buồn giúp họ thấy thư giãn hơn.


"Thông thường, những bài hát buồn có nhịp độ chậm và cao độ thấp hơn các bài hát khác. Loại âm thanh này có thể giúp hạ huyết áp và nhịp tim, giảm căng cơ và nồng độ hormone cortisol gây căng thẳng", Carolina Estevez, một bác sĩ tâm lý người Mỹ tại Texas cho biết.


Nhiều nhà trị liệu vì vậy đang áp dụng liệu pháp âm nhạc dành cho bệnh nhân trầm cảm, giúp họ quản lý nỗi buồn của mình.


"Nghe những bài hát buồn cho phép mọi người thể hiện cảm xúc của mình theo cách lành mạnh. Khi cảm xúc bị tích tụ bên trong mà không có cách nào để thể hiện ra, nó có thể tạo ra rất nhiều sự hỗn loạn bên trong", bác sĩ Estevez nói.


Một nghịch lý của tâm lý: Tại sao chúng ta thích nghe nhạc buồn, ngay cả khi không buồn?- Ảnh 4.

Đã có hơn 62 triệu lượt xem MV "Ngày mai người ta lấy chồng" của Thành Đạt trên Youtube, cộng với hàng chục triệu lượt nghe bản cover bài hát này từ các ca sĩ khác.


"Những bài hát buồn giúp chúng ta nhận ra rằng những người khác cũng chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta. Nếu những bài hát mà có lời đồng cảm với cảm xúc của chúng ta hiện tại, chúng có thể đem đến sự an ủi vì những bài hát này đang diễn ra đúng những cảm xúc mà chúng ta không dùng từ ngữ của chính mình để diễn ra được", bác sĩ Estevez cho biết thêm.


Bởi vậy, không có gì quá ngạc nhiên khi chúng ta tìm đến những bài nhạc buồn mỗi khi buồn. Và mỗi khi mùa cưới về, "Em gái mưa" của Hương Tràm, "Hôm nay em cưới rồi" của Khải Đăng hoặc "Ngày mai người ta lấy chồng" của Thành Đạt lại được bật đi bật lại rất nhiều lần.


Nhưng tại sao ngay cả khi không buồn, chúng ta vẫn thích nghe nhạc buồn?

Tôi để ý đến hiệu ứng này khi người bạn thân của tôi bật bài hát "Ngày mai em đi mất" của Đạt G ngay trong đêm trước đám cưới của mình. Anh ấy luôn là một người lạc quan, vui vẻ, nếu không muốn nói là tăng động đến quá trớn.


Bạn tôi cũng không mắc bệnh trầm cảm, và anh ấy đang có một trong những ngày vui nhất cuộc đời mình. Thật khó hiểu khi chính chú rể lại bật karaoke và hát: "Sợ ngày mai em đi mất, chỉ còn thân xác xơ anh, giật mình trong đêm ngủ say anh sẽ thức giấc tay ôm nhầm gối".


Khi tôi hỏi tại sao lại chọn bài hát buồn vậy, bạn tôi – một người bán hàng có kinh nghiệm về tâm lý học và quản trị cảm xúc khách hàng - đã lần đầu tiên giới thiệu cho tôi một khái niệm gọi là "phòng tập thể dục cảm xúc".


Một nghịch lý của tâm lý: Tại sao chúng ta thích nghe nhạc buồn, ngay cả khi không buồn?- Ảnh 5.

Bản live "Ngày mai em đi mất" của Đạt G hiện có hơn 75 triệu lượt xem, 21 triệu lượt xem MV chính thức do Khải Đăng thể hiện, và hàng chục triệu "view" từ các bản cover khác.


Hiểu đơn giản, "phòng tập thể dục cảm xúc" là một không gian an toàn, được kiểm soát, nơi chúng ta có thể tạo ra các cảm xúc giả tạo ở mức độ nhất định và thử đắm mình vào trong bên trong cảm xúc đó.


Hãy tưởng tượng một rạp phim, trong đó, mọi người đang trải nghiệm một bộ phim kinh dị. Nhiều người trong số chúng ta thích xem phim kinh dị, mặc dù biết nó không có thật và con ma không thể nhảy ra khỏi màn ảnh.


Mặc dù vậy, chúng ta vẫn sợ.


Cảm giác sợ hãi giả tạo đó đó được gọi là cảm xúc được kiểm soát và rạp phim là một không gian an toàn. Nó tạo ra một "phòng tập thể dục cảm xúc" cho phép chúng ta trải nghiệm những tình huống mà thường ngày chúng ta không trải nghiệm được.


Các lần tập luyện này sẽ giúp tâm lý của chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn, khi phải đối mặt với những tình huống gây ra nỗi sợ hãi ngoài đời thực.


Một nghịch lý của tâm lý: Tại sao chúng ta thích nghe nhạc buồn, ngay cả khi không buồn?- Ảnh 6.

Nghịch lý của việc nghe nhạc buồn cũng giống như cách chúng ta thích xem phim ma.


Việc nghe nhạc buồn hóa ra cũng giống vậy. Các bài nhạc buồn tạo ra cho phép chúng ta thử nghiệm và học hỏi từ nỗi buồn.


Trong phòng tập thể dục cảm xúc đó, chúng ta có thể tăng cường sự đồng cảm, học cách nhìn nhận mọi thứ tốt hơn từ góc nhìn của người khác và thử nhiều phản ứng khác nhau. Điều này có thể giúp chúng ta chuẩn bị tốt hơn khi mất mát thực sự xảy ra.


Đối với người bạn của tôi, anh nói bài hát của Đạt G nhắc nhở anh rằng cưới được người vợ của mình là một may mắn, và anh sẽ không bao giờ để mất cô ấy. Bởi như lời bài hát: "Nếu như anh không em, anh sẽ điên mất. Mọi thứ xung quanh em thôi, chỉ biết có mỗi em thôi. Em hiểu không?".


Nghe nhạc buồn nhưng lại "thấy vui trong lòng"

Trên thực tế, một khảo sát trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Frontiersin cho thấy chỉ có 25% người nghe những bài nhạc buồn là thực sự buồn. Những người còn lại có thể trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, từ nỗi nhớ, cảm xúc hoài niệm cho tới sự thư thái, dễ chịu.


Thậm chí, một số người cho biết nhạc buồn vẫn có thể gợi lên các cảm xúc tích cực như vui vẻ và thích thú. Nghe như một nghịch lý, nhưng đúng là nhạc buồn có thể khiến bạn thích thú và vui vẻ.


Một nghịch lý của tâm lý: Tại sao chúng ta thích nghe nhạc buồn, ngay cả khi không buồn?- Ảnh 7.

Bạn có thể đang nghe nhạc buồn, nhưng những vùng não chịu trách nhiệm cho cảm giác vui vẻ lại được kích hoạt.


Một số nghiên cứu, bao gồm một thử nghiệm năm 2020 trên tạp chí Neuro Image đã chụp ảnh cộng hưởng từ não bộ (MRI) của các tình nguyện viên, trong khi họ nghe nhạc buồn.


Kết quả cho thấy các vùng não như vân não bụng và nhân accumbens của tình nguyện viên được kích hoạt. Đây là những vùng não liên quan đến cảm xúc vui vẻ, và cũng được kích hoạt khi mọi người nghe các bài nhạc vui.


Có thể nói trong nghiên cứu này, nhiều niềm vui đã bị "bắt quả tang" trong não bộ khi nghe nhạc buồn. Tiến sĩ Matthew E. Sachs, tác giả nghiên cứu, đồng thời là một nhà khoa học thần kinh và tâm lý học tại Đại học Columbia, Hoa Kỳ cho biết:


"Nhiều người nghe nhạc buồn nói rằng, trong khi họ nghe các bản nhạc truyền tải những cảm xúc tiêu cực một cách rõ ràng, nhưng họ không trải qua những cảm xúc tiêu cực như vậy khi nghe chúng. Trên thực tế, nhiều người nghe nhạc buồn lại thấy những cảm xúc tích cực như sự thích thú".


Để giải thích hiện tượng này, tiến sĩ Sachs đưa ra một mô hình gồm 3 yếu tố có thể tạo ra nghịch lý, bao gồm tính cách cá nhân, trải nghiệm trong quá khứ và bối cảnh xã hội. Tất cả đều có thể tác động đến cảm xúc của người nghe nhạc và tạo ra niềm vui cho họ.


Một nghịch lý của tâm lý: Tại sao chúng ta thích nghe nhạc buồn, ngay cả khi không buồn?- Ảnh 8.

Mô hình trong nghiên cứu của tiến sĩ Matthew E. Sachs.


Ví dụ, hãy thử nghe một bản "hit" gần đây, "Hào quang" của Rhyder, Dương Domic, Pháp Kiều trong chương trình "Anh Trai Say Hi". Đây rõ ràng là một bản nhạc buồn, nếu chỉ nói đến lời và giai điệu của bài hát.


Nhưng hãy đặt nó vào bối cảnh, bạn đang xem nó như một màn trình diễn, trong một chương trình truyền hình thực tế mang tính giải trí, bên cạnh rất nhiều tiết mục sôi động khác, cùng với sự dẫn dắt dí dỏm của Trấn Thành, một MC xuất thân từ diễn viên hài.


Thật khó để cảm thấy buồn khi xem màn trình diễn này. Vì vậy, khi Pháp Kiều cất lên câu hát "không thấy vui trong lòng" trong đoạn bridge của bài hát, thực sự tôi lại cảm thấy thú vị, vì Pháp Kiều vốn là một người có tính cách vui vẻ và mang lại nhiều năng lượng tích cực cho chương trình.


Chính sự ảnh hưởng của trải nghiệm quá khứ của tôi với Pháp Kiều đã gấy ra tâm trạng vui vẻ khi nghe bài nhạc buồn này, theo như mô hình của Matthew E. Sachs.


Một nghịch lý của tâm lý: Tại sao chúng ta thích nghe nhạc buồn, ngay cả khi không buồn?- Ảnh 9.

Bản trình diễn "Hào quang" của Rhyder, Dương Domic, Pháp Kiều hiện đang có hơn 17 triệu lượt xem.


Đừng "vinahey" hóa những bài nhạc buồn, xin đấy!

Còn nhiều mô hình tâm lý và thần kinh học khác có thể giải thích tại sao những bản nhạc buồn lại khiến bạn thấy vui. Chẳng hạn như trong một giả thuyết, Tiến sĩ Sachs cho rằng âm nhạc buồn tựu chung lại vẫn là âm nhạc. Nó kích thích các vùng não liên quan đến tư duy của chúng ta.


Trong một trạng thái bình ổn, không vui mà cũng không buồn, ví dụ như khi đang làm việc, dọn nhà, trong khi lái xe hoặc thậm chí khi chạy bộ nhiều người lại thích bật nhạc. Và khi họ bật nhạc, bài hát đầu tiên họ nghĩ tới lại là một bài nhạc buồn.


Tiến sĩ Sachs cho biết đó là bởi các bài nhạc này có giai điệu phù hợp thể đưa chúng ta vào trạng thái thư giãn và tư duy rõ ràng hơn. Nhiều người thực sự cần những khoảnh khắc tĩnh tại mà một bài nhạc buồn có thể mang lại, trong khi cuộc sống của họ đang hoàn toàn yên bình và chẳng có sự kiện buồn nào xảy ra.


Một nghịch lý của tâm lý: Tại sao chúng ta thích nghe nhạc buồn, ngay cả khi không buồn?- Ảnh 10.

Bốn năm trước, ai đó đã remix các bài hát của Mr. Siro theo "tempo" vui vẻ, sôi động của nhạc "Vinahey". Nhưng hãy nhìn lượt nghe thảm hại của bản phối đó so với bản "live" với piano vừa được đăng tải 3 tháng trước mà xem.


Trong một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí PLOS ONE hồi tháng 4 năm nay, các nhà khoa học nhận thấy 82% tình nguyện viên không còn thấy thích thú nếu họ loại bỏ yếu tố nỗi buồn ra khỏi bài nhạc.


Hãy tưởng tượng đến một bài nhạc buồn được "remix" lại trên nền nhạc "vinahey", nó có thể trở thành một thảm họa cỡ nào?


"Các lý thuyết trước đây cho rằng niềm vui từ những bài nhạc buồn có thể xảy đến gián tiếp thông qua sự xúc động khi người ta nghe chúng. Nhưng nghiên cứu này cho rằng bản thân nỗi buồn cũng làm tăng thêm sự thích thú đối với bài nhạc", các nhà nghiên cứu kết luận.


Nói tóm lại, nỗi buồn đóng một vai trò rất lớn trong sự thành công của một bài hát buồn. Và những bài hát buồn cũng có thể đóng vai trò rất lớn trong sự thành công của một ca sĩ, lấy Mr. Siro là một ví dụ.


Một nghịch lý của tâm lý: Tại sao chúng ta thích nghe nhạc buồn, ngay cả khi không buồn?- Ảnh 11.

Mình nghe nhạc buồn nhưng đâu nhất thiết phải buồn, có đúng không?


Tất cả những điều này xảy ra là vì những hiệu ứng tâm lý đa dạng mà âm nhạc đem lại cho chúng ta.


Bạn có thể thấy buồn khi nghe nhạc buồn, nhưng chỉ 25% mà thôi. 75% còn lại, chúng ta có thể trải qua nhiều cung bậc cảm xúc tích cực khác từ sự an ủi, cảm giác được giải tỏa, được đồng cảm cho đến niềm vui và tìm thấy niềm cảm hứng.


Bởi vậy, nghe nhạc buồn nhưng đâu nhất thiết phải buồn, có đúng không?


Nguồn: Tham khảo Neurosciencenews, Frontiersin, PLOS ONELấy link







Mot nghich ly cua tam ly: Tai sao chung ta thich nghe nhac buon, ngay ca khi khong buon?


Nghien cuu cho thay 82% tinh nguyen vien se khong con thich cac bai nhac buon, neu chung duoc "remix" cho soi dong va vui ve.

Một nghịch lý của tâm lý: Tại sao chúng ta thích nghe nhạc buồn, ngay cả khi không buồn?

Nghiên cứu cho thấy 82% tình nguyện viên sẽ không còn thích các bài nhạc buồn, nếu chúng được "remix" cho sôi động và vui vẻ.
Một nghịch lý của tâm lý: Tại sao chúng ta thích nghe nhạc buồn, ngay cả khi không buồn?
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: