Việt Nam cần xây dựng chính phủ AI, thành phố AI

Xây dựng chính phủ AI và phát triển TPHCM thành một "AI City" không chỉ giúp Việt Nam bắt kịp xu hướng công nghệ toàn cầu mà còn khẳng định vị thế của đất nước trong thời đại số.


Tại Diễn đàn Kinh tế TPHCM năm 2024 vừa được tổ chức sáng 25/9, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC đã thu hút nhiều sự chú ý với sáng kiến "Chuyển đổi AI - AI.X", tập trung vào việc kết hợp giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh để thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam trong thời đại số.


Theo Chủ tịch Tập đoàn CMC, chuyển đổi công nghiệp hiện nay phải dựa trên hai trụ cột chính: chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Ông cho rằng, Chính phủ, các doanh nghiệp và các tổ chức cần nhận thức rõ về vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI) trong quá trình này. AI đang trở thành động lực đột phá, thúc đẩy sự thay đổi nhanh chóng và toàn diện trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội.


AI Nguyen Trung Chinh CMC 3.JPG

Chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Điều hành Tập đoàn Công nghệ CMC, ông Nguyễn Trung Chính. Ảnh: CMC


Các chuyên gia dự đoán, AI sẽ đóng góp 15.700 tỷ USD vào nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030, giúp tăng năng suất lao động lên 40% vào năm 2035. Tại Việt Nam, AI được kỳ vọng sẽ đóng góp từ 150 đến 200 tỷ USD vào GDP quốc gia vào năm 2030. Những con số này minh chứng cho tiềm năng to lớn của AI trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống.


Trước những tiềm năng đó, ông Nguyễn Trung Chính đề xuất Chính phủ cần xây dựng một chiến lược chuyển đổi AI dài hạn, tiến tới xây dựng một chính phủ AI.


Ông cũng đề nghị TPHCM cần được phát triển thành một "AI City" – thành phố trí tuệ nhân tạo tiên phong. Ông cho rằng việc đưa AI.X (Chuyển đổi AI hay AI Transformation) trở thành một sáng kiến không chỉ của TPHCM mà còn của cả Việt Nam sẽ giúp khẳng định vị thế của đất nước trong thời đại số.


AI Nguyen Trung Chinh CMC 2.JPG

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên Đối thoại chính sách giữa Thủ tướng, lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh thành với các khách mời, các tập đoàn trong nước và quốc tế tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2024. Ảnh: CMC


Để hiện thực hóa sáng kiến AI.X, ông Chính đã đưa ra các kiến nghị cụ thể. Theo đó, Việt Nam cần hoàn thiện thể chế và hành lang pháp lý bằng cách xây dựng các quy định phù hợp để tạo điều kiện cho phát triển và ứng dụng AI trên quy mô toàn quốc. Việc này sẽ đảm bảo an toàn và quản lý rủi ro trong quá trình triển khai AI, đặc biệt trong các lĩnh vực có tác động lớn như y tế, giáo dục, giao thông và tài chính.


Bên cạnh đó, ông đề xuất việc đào tạo và phát triển nhân lực AI là yếu tố then chốt. Ông cho rằng, cần đưa AI vào chương trình giảng dạy trong các cấp học, từ phổ thông đến đại học, nhằm trang bị kỹ năng và kiến thức cần thiết cho thế hệ trẻ. Đồng thời, cần có các chương trình đào tạo chuyên sâu và liên kết với các tổ chức quốc tế để phát triển nguồn nhân lực AI chất lượng cao.


Ông Chính cũng đề cập đến việc xây dựng hạ tầng số và hệ sinh thái AI. Để AI phát triển bền vững, cần xây dựng một hệ sinh thái công nghệ mạnh mẽ bao gồm hạ tầng số hiện đại, các trung tâm nghiên cứu và kết nối các chuyên gia, doanh nghiệp để thúc đẩy sáng tạo và hợp tác. Điều này đòi hỏi một nền tảng kỹ thuật vững chắc và cơ chế khuyến khích sự tham gia của các tài năng công nghệ hàng đầu trong và ngoài nước.


Ngoài ra, ông đề xuất Chính phủ cần thiết lập các chính sách ưu đãi để khuyến khích sự phát triển của AI trong mọi lĩnh vực, từ công nghiệp sản xuất, y tế đến giáo dục và dịch vụ công. Việc xây dựng các chính sách này cần đảm bảo an toàn việc làm và đưa ra các tiêu chuẩn đạo đức rõ ràng về ứng dụng AI, nhằm đặt con người ở trung tâm và hướng tới sự phát triển bền vững.


AI Nguyen Trung Chinh CMC 1.JPG

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại TPHCM. Ảnh: CMC


Trong phần giải thích về sáng kiến "Chuyển đổi AI - AI.X", ông Nguyễn Trung Chính định nghĩa: AI Transformation (AI-X) là quá trình ứng dụng công nghệ AI để thay đổi tổng thể và toàn diện về cách thức hoạt động và tương tác trong mọi lĩnh vực của xã hội từ Chính phủ, doanh nghiệp đến đời sống của người dân.


Mục tiêu của Chuyển đổi AI là tận dụng tiềm năng vô tận của công nghệ AI để đổi mới sáng tạo, cải tiến về hiệu suất, năng suất, gia tăng giá trị và tạo ra một nền kinh tế số. Việc chuyển đổi AI cần phải đi đôi với đạo đức và trách nhiệm xã hội, nhằm xây dựng một nền kinh tế số xanh và bền vững.


Sáng kiến của ông Nguyễn Trung Chính tại Diễn đàn Kinh tế TPHCM đã thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu và chuyên gia. Những đề xuất của ông hướng đến việc tận dụng tối đa tiềm năng của AI để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Việt Nam.


Tầm nhìn của ông Nguyễn Trung Chính về "Chuyển đổi AI - AI.X" mở ra một hướng đi mới cho Việt Nam trong việc ứng dụng AI vào mọi lĩnh vực của xã hội. Việc đặt con người và xã hội lên hàng đầu, cùng với cam kết trách nhiệm và đạo đức, sẽ đảm bảo rằng sự phát triển của AI mang lại lợi ích thiết thực và bền vững cho đất nước.









"Viet Nam can xay dung chinh phu AI, thanh pho AI"


Xay dung chinh phu AI va phat trien TPHCM thanh mot "AI City" khong chi giup Viet Nam bat kip xu huong cong nghe toan cau ma con khang dinh vi the cua dat nuoc trong thoi dai so.

"Việt Nam cần xây dựng chính phủ AI, thành phố AI"

Xây dựng chính phủ AI và phát triển TPHCM thành một "AI City" không chỉ giúp Việt Nam bắt kịp xu hướng công nghệ toàn cầu mà còn khẳng định vị thế của đất nước trong thời đại số.
Việt Nam cần xây dựng chính phủ AI, thành phố AI
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: