Chiều 13-9, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tổ chức cuộc họp báo thường kỳ. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, Người phát ngôn của Bộ TT-TT, chủ trì buổi Họp báo.
Trả lời về nhiều tin giả xuất hiện trong thời gian bão số 3 và mưa lũ, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, cho biết có thực trạng này.
Tuy nhiên, đại diện Bộ TT-TT nêu rõ Bộ có hệ thống trung tâm xử lý tin giả trung ương và địa phương. Ở trung ương có hệ thống xử lý thông tin trên nền tảng mạng xã hội, website, từ đó tiếp nhận và xử lý tin giả.
Bộ phận xử lý tin giả thực hiện nhanh chóng, từ đó đưa thông tin cảnh báo, bác bỏ tin đồn thất thiệt về công tác bão lũ.
Ngoài ra, các Bộ, ngành, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, địa phương chủ động cung cấp, đưa tin công tác phòng chống bão lũ, thiệt hại, bác bỏ tin đồn có liên quan tới ngành, địa phương như tin giả cắt điện, vỡ đê, vỡ đập…
Thống kê về công tác xử lý tin giả, Bộ TT-TT cho biết đã phối hợp với địa phương xử lý nhiều trường hợp.
Trong đó, Hải Dương xử lý 21 trường hợp tung tin giả mưa lũ; Công an Bắc Ninh, Bắc Giang và Hải Phòng xử lý nhiều trường hợp tung tin giả vỡ đê; Quảng Ninh xử lý tin giả Cẩm Phả "vớt 16 xác người buộc dây"; Phú Thọ tin giả vỡ đê; Hà Giang có video, hình ảnh giả về người ngồi trên thau ở trong mưa lũ cần cứu trợ…
Theo bà Huyền, môi trường phát tán tin giả nhiều, người dân dễ bị cảm xúc, không kiểm chứng nên chia sẻ thông tin.
"Người dân cần tỉnh táo, xác thực thông tin trước khi chia sẻ. Tìm hiểu thông tin qua báo chí chính thống, kiểm chứng, tránh việc vội vàng, không vô tình tham gia vào việc phát tán tin giả, vi phạm pháp luật" - đại diện Bộ TT-TT khuyến cáo.
Thời gian qua, ngoài xử lý các đối tượng liên quan về phát tán tin giả, Bộ TT-TT cũng yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới gỡ bỏ tin giả, tin đồn thất thiệt, trong đó Facebook gỡ 36 tin, TikTok gỡ 56 tin.
Cùng với đó, Bộ TT-TT cho biết lợi dụng thiệt hại do bão số 3 gây ra tại một số tỉnh phía Bắc, đã xuất hiện trang cá nhân/Fanpage trên mạng xã hội mạo nhận là nạn nhân/người dân bị ảnh hưởng và Facebook giả mạo Hội Chữ thập đỏ để lừa đảo bằng cách kêu gọi quyên góp, ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Bên cạnh đó, xuất hiện nhiều thông tin sai lệch, không đúng sự thật về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả sau bão gây ảnh hưởng đến dư luận.
Lấy link